Chiều 29/6, TAND TP.HCM kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa này thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận không chỉ bởi vì tính chất và diễn biến vụ án, mà nhiều người còn quan tâm và đánh giá cao những hoạt động cải cách tư pháp của các cơ quan tố tụng theo tinh thần Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị.
Luật sư và bị cáo Phương Nga đối chất tại phiên tòa |
Tại phiên tòa, việc thực hiện cải cách tư pháp rõ nhất đó là chủ tọa và HĐXX đã tôn trọng quyền tranh tụng, cho phép các luật sư tìm hỏi để làm sáng tỏ vụ việc, mà không hạn chế thời gian thẩm vấn.
Đa số luật sư tham gia bào chữa cho các bên đều tích cực, chủ động tranh tụng tại tòa.
Hội đồng xét xử lắng nghe hết ý kiến của người bị hại, nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để tìm ra sự thật và làm rõ ngay tại phiên tòa.
Nhiều luật sư và dư luận cũng đánh giá cao việc điều hành phiên tòa của Chủ tọa Thẩm phán Vũ Thanh Lâm - Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM khi ông xử lý ngay các vấn đề pháp lý liên quan đến tố tụng hình sự.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Phiên tòa đã thể hiện một bước phát triển trong hoạt động tố tụng của chúng ta. Đồng thời cũng là một bước để cho thấy sự khẳng định tinh thần, năng lực của chủ tọa phiên tòa, của hội đồng xét xử trong vụ án này”.
Những vấn đề như: bị cáo sử dụng “quyền im lặng” tại tòa để bảo vệ quyền lợi của mình; “nhân chứng bí ẩn” được HĐXX chấp nhận theo yêu cầu bảo vệ an toàn bằng cách thẩm vấn qua phòng kín, kết nối với phòng xét xử qua hệ thống âm thanh… cũng là những tình tiết mới trong phiên tòa lần này.
Những quyền nói trên đã được pháp luật quy định, được bị cáo và nhân chứng vận dụng cũng thể hiện tinh thần cải cách tư pháp.
Luật sư tham gia xét hỏi |
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 suy cho cùng là hướng đến bảo vệ quyền con người được Hiến pháp quy định.
Đó cũng là những mục tiêu cao cả mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng đến. Thời gian qua, hoạt động cải cách tư pháp mà thể hiện rõ nhất là khâu xét xử được tiến hành có hiệu lực và hiệu quả ở cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Luật gia Trần Thúc Hoàng - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia thông tin – truyền thông TP.HCM nhận định, đây là một phiên tòa công khai, minh bạch, rõ ràng và “tâm phục, khẩu phục.
“Chủ tọa phiên tòa đã có một quyết định hết sức sáng suốt, bản lĩnh và dũng cảm đó là việc ra quyết định tuyên ngay tại phiên tòa không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Phương Nga. Tôi cho rằng đây là một bước tiến mới của tư pháp nước ta”, luật gia Trần Thúc Hoàng nhìn nhận.
Với những hoạt động cải cách tư pháp tiến bộ như trên có thể nói, phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga là một hoạt động tư pháp gay cấn, kịch tính và bất ngờ, đã góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, từ phiên tòa này tiếp tục khẳng định niềm tin vào công lý của nhân dân, đồng thời đặt ra yêu cầu không ngừng cải cách hệ thống tư pháp nước ta.
“Tôi thấy HĐXX đã căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ mà các bên bị cáo đã cung cấp cho tòa, ý kiến của các nhân chứng và người bào chữa và những người có quyền và lợi ích liên quan… Và tòa đã ra một quyết định áp dụng những biện pháp ngăn chặn khác đối với các bị cáo. Đây là một bước đột phá trong công tác cải cách tư pháp của chúng ta. Từ câu chuyện này chúng ta nhìn lại hệ thống tư pháp của chúng ta là phải không ngừng cải cách”, luật sư Hậu nói.
Nhiều luật sư cũng mong muốn, hoạt động tranh tụng cần phải được diễn ra ở tất cả các khâu trong quá trình khởi tố - điều tra – truy tố - xét xử (đối với vụ án hình sự) chứ không phải chỉ tập trung vào giai đoạn xét xử như trước đây, để không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.
Đây cũng là cơ sở để phát hiện những những hành vi, chứng cứ bổ sung kịp thời vào hồ sơ vụ án.
Theo luật sư Lê Văn Dũng - Giám đốc Công ty Luật Sài Gòn Việt Luật, làm như thế sẽ tránh tình trạng oan sai. Chúng ta cũng thường nghe các cụm từ như “án tại hồ sơ”, hay “án bỏ túi” đó là thể hiện sự máy móc, cứng nhắc của cơ quan xét xử khi đã có bản án.
Luật sư Lê Văn Dũng cho biết: “Để thể hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp trong tình hình mới, luật sư Lê Văn Dũng kiến nghị: “Các cơ quan tố tụng không nên không có định kiến trước. Tôi cho rằng, khi mình có định kiến thì dễ đi theo một cái trục xuyên suốt quá trình tố tụng và có thể gây oan. Tôi cho rằng, đây là một bài học mà chúng ta nên cẩn thận khi xét xử quan hệ dân sự mà được hình sự hóa”.
Có thể nói bằng những hoạt động cải cách tư pháp, HĐXX tại phiên tòa nói trên đã đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Phiên toà diễn ra thật sự dân chủ, khách quan. Thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đặc biệt, tòa đã đưa ra bản án đúng pháp luật, có sức thuyết phục, nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân./.
Luật sư của Phương Nga: Tôi mong sớm đình chỉ vụ án
Vụ án Hoa hậu Phương Nga: Sau tại ngoại là gì?