nhat_cuong_1_quoy.jpg
Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an vừa ra quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Ông chủ của Nhật Cường Mobile được cho đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ 9/5, đúng ngày các cơ quan chức năng khám xét các cửa hàng của Nhật Cường Mobile. (Ảnh: VnExpress)
Trước đó, ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố Tổng Giám đốc Nhật Cường mobile - Bùi Quang Huy và 8 đồng phạm. Đồng thời tiến hành khám xét khẩn cấp đối với 09 địa điểm liên quan đến Công ty Nhật Cường. Bùi Quang Huy bị khởi tố tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 188 và Điều 221 Bộ luật Hình sự. Trong ảnh: Cơ quan chức năng tiến hành khám xét một trong các cửa hàng của Nhật Cường Mobile. (Ảnh: TTXVN)
Tối 21/12/2017, lực lượng của Bộ Công an khám xét nhà riêng của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm" tại số 82 Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Một ngày sau đó, cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ. Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố do có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”. Trong ảnh: Khám xét nhà riêng của Phan Văn Anh Vũ tại số 82, Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Nhưng khi xác định được bị can không có mặt tại nơi cư trú và không biết bị can đang ở đâu, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định truy nã. Chiều 2/1/2018, Cơ quan Xuất nhập cảnh và cửa khẩu Singapore (ICA) xác nhận tạm giữ người tên "Phan Van Anh Vu" vào ngày 28/12/2017 vì vi phạm quy định Luật Xuất nhập cảnh. Trong ảnh: Báo Strait Times đăng tin Phan Văn Anh Vũ bị phía Singapore bắt giữ.
Chiều 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam đã tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"). Trong ảnh: Phan Văn Anh Vũ tại phiên tòa xét xự vụ án gây thiệt hại 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Á. (Ảnh: Sài Gòn giải phóng)
Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố Trịnh Xuân Thanh tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra cáo buộc có nhiều sai phạm trong quản lý dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). (Ảnh: TTXVN)
Thời điểm này ông Thanh đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Một tháng trước đó, ông xin nghỉ phép với lý do ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng hết phép, ông không trở lại nhiệm sở, mọi liên lạc bị cắt đứt. Tối 16/9/2016, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông Thanh. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Gần một năm sau, ngày 31/7, Bộ Công an thông báo nghi can trốn truy nã quốc tế này đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú. 
Đầu năm 2012, Dương Chí Dũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"  trong vụ việc mua ụ nổi 83M của Vinalines. Tuy nhiên, trước khi bị khởi tố bị can, Dương Chí Dũng đã nhanh chân bỏ trốn và bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã đặc biệt. 
Tháng 9/2012, Công an Việt Nam phối hợp với lực lượng cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giữ được Dương Chí Dũng đang lẩn trốn tại Phnom Penh, sau khi ông này bỏ trốn sang Mỹ nhưng không thành. Vụ bỏ trốn của Dương Chí Dũng còn liên lụy đến em trai ông này là Dương Tự Trọng. Hai anh em đã phải ra tòa. Tháng 12/2013, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Dương Chí Dũng hình phạt tổng hợp là tử hình về các tội tham ô và cố ý làm trái. (Ảnh: Vietnamnet)
Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTEX thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong giai đoạn điều hành doanh nghiệp thực hiện dự án xơ sợi Đình Vũ đã cùng một số người liên quan để xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thoát lớn cho dự án có tổng mức đầu tư lên tới hơn 500 triệu USD. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, ra các quyết định khởi tố 5 bị can, trong đó có Vũ Đình Duy, về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". 
Tuy nhiên, Vũ Đình Duy đã nhanh tay làm đơn xin phép cơ quan chủ quản đi nước ngoài để chữa bệnh mặc dù không được đồng ý của cơ quan chủ quản là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, sau đó bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt đồng thời đề nghị Tổ chức Interpol truy nã quốc tế. (Ảnh: Lao Động)
Thời gian làm quyền trưởng phòng kinh doanh và quan hệ quốc tế tại Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin khoảng tháng 5/2006, Giang Kim Đạt cùng với Tổng Giám đốc Trần Văn Liêm và kế toán trưởng Trần Văn Khương đã chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng qua các dự án mua tàu khai thác kinh doanh cho thuê tàu biển. Riêng Giang Kim Đạt bị quy kết chiếm đoạt tổng cộng hơn 255 tỷ đồng.
Tháng 8/2010, Đạt bị Bộ Công an khởi tố nhưng Đạt đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế. Ngày 7/7/2015, Đạt bị bắt ở Campuchia và dẫn giải về Việt Nam. Đạt cho biết đã trốn sang Campuchia theo đường tiểu ngạch qua biên giới Tây Ninh. Trong 5 năm lẩn trốn, Đạt thường xuyên qua lại giữa Campuchia và Singapore.