Chiều 28/12, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM đã tuyên bản án sơ thẩm vụ kiện dân sự tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Theo đó, Tòa chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền gần 5 tỷ đồng.

chu_toa_tuyen_an_vov_fjpr.jpg
Chủ tọa phiên tòa nêu phán quyết
HĐXX nhận định, trong quá trình thực hiện Đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải, Grab đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân, chất lượng phục vụ tốt, nhanh chóng kết nối, số tiền cước minh bạch… nên cần phải khuyến khích mô hình ứng dụng công nghệ kết nối phần mềm như Grab vì đây là xu thế tất yếu của thời đại.

Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế tồn tại như cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của Grab, từ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở các nước nhưng khi vào Việt Nam thì phần lớn người tham gia đầu tư xe để tham gia hoạt động giao thông vận tải.

Đại diện Grab tại phiên tòa
Trước thực trạng này, Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không kịp thời có chính sách quản lý phù hợp mà dập khuôn các nước, duy trì Đề án 24 dẫn đến sự bùng phát phương tiện, gây ách tắc nghiêm trọng, nhất là các thành phố lớn.

Với mô hình vận tải taxi như Grab thì trên thế giới chưa có quốc gia nào tách rời được giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải trong khi nội dung của Đề án 24 của Bộ Giao thông - Vận tải lại tách rời dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải để triển khai là không thực tế.

Vì vậy Bộ cần phải xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để có chính sách quản lý phù hợp và phải sửa đổi Đề án 24 nếu tiếp tục thực hiện. Từ chính sách bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh vận tải, Grab đã tăng giảm tùy tiện giá cước, nhà nước không quản lý được.

Đại diện Vinasun tại phiên tòa
Ngoài ra, chỉ tính riêng kỳ kinh doanh 2014 – 2016, số thuế Grab nộp cho Nhà nước chỉ là 9,5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/130 số thuế Vinasun nộp trong cùng kỳ (1.200 tỷ đồng). Khả năng làm thất thu thuế theo mô hình hoạt động của Grab là rất cao, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Việc đóng bảo hiểm cho tài xế của Grab không được thực hiện dẫn đến nguy cơ tác động đến toàn xã hội.

Vì thế, HĐXX cho rằng cơ quan Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý các loại hình kinh doanh vận tải, tạo sự bình đẳng, giám sát giá cước, chống phá giá…

HĐXX kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, cơ quan bảo hiểm xã hội cần có giải pháp chấn chỉnh lại những vấn đề vừa nêu, đồng thời khẳng định việc thụ lý, xét xử vụ án là đúng chức năng, nhiệm vụ của tòa án khi các đương sự có tranh chấp…

Theo HĐXX, việc tòa giải quyết vụ án không làm ảnh hưởng đến quá trình hội nhập, chính sách đầu tư nước ngoài và tiến trình phát triển của đất nước trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Từ những nhận định trên, HĐXX cho rằng có căn cứ để xác định Grab thực hiện việc kinh doanh vận tải bằng ô tô nhưng không chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải bằng ô tô, chấp nhận một phần yêu cầu đòi bồi thường của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn số tiền 4,85 tỷ đồng.

Tài xế Vinasun tụ tập tại sân tòa sau khi phiên tòa kết thúc
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Lưu Tiến Dũng của phía bị đơn cho biết phía Grab sẽ kháng án. Luật sư bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng, việc đi sâu vào các kiến nghị là việc không nên làm. Chức năng nhiệm vụ của Tòa không được can thiệp quá sâu.

Luật sư Nguyễn Văn Đức của nguyên đơn cho biết Vinasun sẽ tiếp tục củng cố các chứng cứ.

"Mặc dù phần bồi thường thiệt hại không như kỳ vọng nhưng bản án đã định danh được Grab là công ty kinh doanh taxi và từ đó giúp các cơ quan có liên quan xây dựng chính sách đối với những loại hình hoạt động như Grab. Việc Grab kháng cáo là quyền của họ và chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố các chứng cứ để bảo vệ kết quả phiên tòa hôm nay", luật sư Nguyễn Văn Đức nêu quan điểm./.