Giải trí trong tù bằng… lô đề

Trước đó, Lê Văn Thọ đã bị TAND tỉnh Sơn La xử phạt 27 năm tù về các tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, “giết người”, “sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” và tội “đưa hối lộ”.

Ngày 25/6/2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã xét kháng cáo của Lê Văn Thọ và giảm mức án xuống còn 25 năm tù. Thọ “sứt” đã được đưa về Trại giam Nam Hà trên địa bàn tỉnh Hà Nam để chấp hành án.

tho_sut_bfwz.jpg
Lê Văn Thọ (Thọ "sứt")
Trong lúc thi hành án phạt tù tại trại giam Nam Hà, Thọ sứt cũng đã tranh thủ mở rộng quan hệ với các đối tượng đầy tiền án, tiền sự và các đối tượng có tên tuổi trong giới giang hồ, trong đó có Nguyễn Văn Dũng, Vũ Đình Thăng, Nguyễn Trọng Nghĩa (Nghĩa “vổ”).

Trong thời gian chấp hành án phạt tù ở trại giam Nam Hà, Lê Văn Thọ sử dụng nhiều số điện thoại để liên hệ với đàn em bên ngoài để chỉ đạo mua bán ma túy, phạm tội giết người và cả giải trí bằng trò lô đề, cờ bạc. Tiền sử dụng điện thoại của Lê Văn Thọ được các “anh em, chiến hữu” gửi từ ngoài vào thông qua việc nhắn tin mã thẻ nạp.

Người thường xuyên giúp đỡ Lê Văn Thọ khi ở tù chính là Nguyễn Trọng Nghĩa. Theo Lê Văn Thọ khai nhận, Nguyễn Trọng Nghĩa đã quen biết Thọ từ trước và khi Lê Văn Thọ được đưa về trại giam Nam Hà để chấp hành án, Nghĩa đã vào thăm Thọ.

Tại đây, Thọ và Nghĩa đã có nhiều việc “nhờ vả” nhau. Trong đó, Nguyễn Trọng Nghĩa khai nhận đã nhờ Thọ quan tâm chăm sóc một phạm nhân tên Duyên, bị kết án 17 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy còn Lê  Văn Thọ thì nhờ Nguyễn Trọng Nghĩa giúp chuyện tiền bạc cho vợ con và giúp Thọ ghi đề giải khuây.

Ở trong tù, Lê Văn Thọ đánh đề theo kiểu gọi điện thoại cho Nguyễn Trọng Nghĩa để Nghĩa ghi số. Nguyễn Trọng Nghĩa vừa là “thư ký ghi đề” cho Thọ cũng là người ứng tiền ra trả tiền đề. Theo Nguyễn Trọng Nghĩa khai nhận với CQĐT, số tiền mà Thọ đánh đề lên đến hàng triệu đồng.

Lê Văn Thọ và Nguyễn Trọng Nghĩa cũng thừa nhận, việc đánh đề của Thọ là “ít khi trúng” và nếu có trúng thì cũng bị giữ lại để trừ nợ. Việc Thọ sứt ở tù nhưng vẫn đánh đề bằng tiền của người khác và không bao giờ được nhận tiền trúng đề cũng đã được điều tra nhưng do không xác định được số tiền “đánh đề” và số tiền trúng đề nên Thọ “sứt” và Nghĩa “vổ” chưa bị khởi tố về tội đánh bạc.

Người ghi đề liên quan đế vụ giết người nhưng thiếu bằng chứng?

Theo hồ sơ vụ án giết người xảy ra tại Hà Nam do Lê Văn Thọ kẻ tổ chức thực hiện thì Nguyễn Trọng Nghĩa là người bị tình nghi đầu tiên để xác định nguyên nhân dẫn đến việc Thọ “sứt” gây án. Tuy nhiên, Nguyễn Trọng Nghĩa không thừa nhận việc thuê giết người nên CQĐT chưa khởi tố đối với người này.

Giải thích về động cơ gây án trong vụ án giết người chấn động này, Thọ “sứt” khai nhận, với mối quan hệ thân tình với Thọ, khoảng tháng 12/2013, Nguyễn Trọng Nghĩa đã gặp Thọ trong trại giam Nam Hà và nhờ Thọ “đánh què chân mấy con lợn” (ám chỉ anh Trần Mạnh Tiến và Trần Quang Khanh, trú tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm). Hợp đồng giết người được hai bên thỏa thuận với giá 100 triệu đồng.  

Lời khai của Lê Văn Thọ hoàn toàn phù hợp với thực tế là Thọ không biết gì về 2 nạn nhân, không có mâu thuẫn với hai người này. Do vậy, để gây án thì phải có sự giúp sức tích cực của “người địa phương”. Cũng chính Lê Văn Thọ khai nhận, cùng với việc nhờ “xử lý” anh Trần Mạnh Tiến và anh Trần Quang Khanh, Nguyễn Trọng Nghĩa đã cung cấp thông tin, số điện thoại của  nạn nhân cho Lê Văn Thọ để Thọ chỉ đạo đàn em gây án.

Việc Lê Văn Thọ chỉ đạo hai đàn em là Vũ Đình Thăng, Nguyễn Văn Dũng đến Hà Nam nhận “tạm ứng” 10 triệu đồng của một người lạ mặt cùng với ảnh, số điện thoại của nạn nhân cho thấy, rõ ràng Thọ đang thực hiện một “hợp đồng giết người”. Kẻ đứng ra làm “hợp đồng” với Lê Văn Thọ phải là người thân quen và có khả năng liên hệ được với Thọ khi Thọ đang bị giam giữ trong trại giam. Do đó, những lời khai của Thọ về vai trò của người giúp đỡ Thọ giải khuây bằng trò lô đề trong vụ án này đã phác họa khá rõ nét chân dung đồng phạm.

Tuy nhiên, trong các lần làm việc với CQĐT, Nguyễn Trọng Nghĩa liên tục không thừa nhận việc thuê Thọ gây án. Song, Nguyễn Trọng Nghĩa cũng không thể phủ nhận mối quan hệ thân tình với Lê Văn Thọ và những lần giúp Thọ đánh đề trong tù.

Điều quan trọng nữa mà Nguyễn Trọng Nghĩa không thể lý giải được là tại sao trong khoảng thời gian ngắn sau khi Vũ Đình Thăng và Nguyễn Văn Dũng xả súng vào anh Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Trọng Nghĩa nhiều lần gọi điện cho Lê Văn Thọ. Những liên lạc dày đặc giữa Nguyễn Trọng Nghĩa và Lê Văn Thọ trước và sau ngày 16/12/2013 được Lê Văn Thọ khai rõ, Nguyễn Trọng Nghĩa gọi để thông báo cho Thọ biết  việc anh Trần Mạnh Tiến bị bắn nhưng không chết.

Trong đơn gửi TAND cấp cao, đề nghị làm rõ vai trò của kẻ chủ mưu, anh Trần Mạnh Tiến khẳng định, Nguyễn Trọng Nghĩa có liên quan đến vụ việc này vì hai bên có hiềm khích với nhau xuất phát từ việc anh Tiến đã tát chị Điệp (chị dâu cũ của anh Tiến, đồng thời hiện nay là bạn của vợ Nguyễn Trọng Nghĩa) trước thời điểm xảy ra vụ án giết người khoảng hơn 1 tháng.  

Tất cả những tình tiết ly kỳ của vụ án giống như một bộ phim hành động, kẻ chủ mưu đã kịp xóa dấu vết nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật đối với tội ác đã thực hiện.

Tuy nhiên, việc Lê Văn Thọ đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội, cùng với các chứng cứ liên quan khá rõ ràng liệu TAND cấp cao có xem xét vai trò của người ghi lô đề trong vụ án giết người này không? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.