...Quá khứ đau buồn có gì để mà đào xới, nhắc lại đâu anh. Những tiếng thở dài kìm nén, những tiếng nấc nghẹn cố ngăn không cho giọt nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt sạm màu bươn trải và tội lỗi. Câu chuyện sám hối giữa tôi và những nữ phạm nhân đã diễn ra như vậy không hơn không kém!

Muốn được ngủ quên...

Họ - những người phụ nữ "không gương mặt" thèm khát được chia sẻ nỗi tủi hổ, oán hận và than thân. Thật khó có thể trách cứ điều gì về những tội lỗi đã gây ra trong quá khứ, vì họ đã từng sống hết mình với những ước mơ cháy bỏng. Họ đã từng là những người con, người mẹ, là anh chị trong gia đình... Có khác chăng, hiện tại họ đang phải chấp nhận bản án phía sau song sắt của nhà tù!

phu_nu_1_gevn.jpg
Nữ phạm nhân Lê Thị Hòa luôn mong muốn được tha thứ bởi những lỗi lầm đã gây ra

Đến tận bây giờ có lẽ những phạm nhân nữ đang thụ án tại trại giam Xuân Nguyên (Tổng cục VIII - Bộ Công an) vẫn chưa hiểu vì sao, họ tự nhiên bị ghép cho cái tên "những người phụ nữ không gương mặt". Cái tên gọi có điều gì đó mang màu sắc bí hiểm thực chất lại được bắt nguồn từ một thói quen đã trở thành "luật bất thành văn" ở bất cứ trại giam nào khi tiếp xúc với các phạm nhân nữ.

Họ có thể trải lòng về hoàn cảnh gia đình, về mặc cảm tội lỗi hay bất cứ điều gì liên quan đến bản án họ đang phải gánh chịu. Nhưng chỉ cần nhắc đến chuyện chụp ảnh, quay phim để lên hình thì chắc chắn sẽ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Họ muốn quá khứ và ngay cả hiện tại được ngủ yên.

“Quá khứ đau buồn có gì để mà nhắc lại đâu anh” – Đó là lời mở đầu cho buổi gặp mặt giữa tôi và nữ phạm nhân Lê Thị Hòa. Hòa đang phải chấp hành án phạt 11 năm tù tại trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) với tội danh “Giết người”. Cuộc sống của Lê Thị Hòa trước khi vướng vào vòng lao lý dường như cũng là một bức tranh bị bóp nghẹt, không tìm thấy ánh sáng của sự sống.

Ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của đời con gái thì Hòa bị “ép” phải lên chức mẹ. Người đàn ông – người cha của đứa con cô, đã sử dụng thuốc kích dục để chiếm đoạt thân xác. Đau đớn, tủi hổ và nhục nhã Lê Thị Hòa đã tìm đến cái chết nhưng số phận chưa hài lòng, vẫn tiếp tục bắt Hòa phải sống để tiếp nhận những biến cố khác khủng khiếp hơn.

Mất phương hướng của cuộc đời, Hòa lao chân vào thân phận gái bán hoa. Để rồi trong vũng bùn nhơ nhớp của cuộc đời, cô bất ngờ nảy sinh tình yêu với một người đàn ông đã có gia đình. Lần đầu được yêu, lần đầu cảm nhận sự rung động của trái tim với Hòa đã diễn ra một cách đầy ngang trái như vậy. Bất chấp hạnh phúc gia đình người khác, Hòa tự công khai cho mình cái quyền được làm người thứ 3.

Khi chiếm giữ hoàn toàn trái tim của bạn tình cũng là lúc Hòa gây ra tội ác của mình. Trong một lần cãi vã, Hòa đã thắt cổ “mối tình đầu” đến chết bằng chiếc áo nịt ngực.

Không trực tiếp ra tay giết người, không tước đoạt mạng sống của người khác nhưng nữ phạm nhân Hà Thị Phương cũng đang phải chấp nhận bản án chung thân với tội danh buôn bán trái phép chất ma túy.

Khác với Lê Thị Hòa, cô giáo trẻ Hà Thị Phương đã từng có một thời gian được say đắm trong tình yêu với gia đình nhỏ của mình. Sinh ra tại một huyện miền núi nghèo của tỉnh Tuyên Quang, ngay từ bé, tâm hồn của Hà Thị Phương đã được chìm đắm trong tiếng chim rừng, tiếng suối chảy róc rách và những ruộng nương rộ màu lúa chín. Khi tiếng sét ái tình bất ngờ tìm đến, Phương đã bất chấp tất cả lời khuyên ngăn của gia đình để chạy theo người đàn ông của cuộc đời. Tất cả trong suy nghĩ của Phương lúc đó chỉ còn biết có thế.

Kết quả của tình yêu được “đơm hoa kết trái” bằng một cậu con trai kháu khỉnh, lúc đó, Hà Thị Phương hạnh phúc biết bao. Nhưng rồi giông bão cũng ập đến, người chồng năm xưa đã thay lòng đổi dạ chạy theo người đàn bà khác. Oái oăm thay, người đàn bà khác của chồng Phương lại được chính mẹ chồng đứng ra mai mối!

Cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Chỉ khi đến ngày giỗ bố chồng, Phương mới dám gặng hỏi: “Đứng trước bàn thờ của bố, anh nói đi, anh có người đàn bà khác phải không?”. Đáp lại niềm tin vớt vát mỏng manh của người vợ chỉ là một tiếng trả lời khô khốc: “Anh, không làm được”. Giờ phút đó, Phương biết mình đã mất tất cả.

Giấu chuyện ly di chồng, Hà Thị Phương phải lén lút trốn đi cùng con về nhà mẹ đẻ. Sự việc chỉ vỡ lở khi đứa con trai của Phương ngây ngô kể hết mọi chuyện cho cô em gái. Cất một căn nhà, Phương hàng ngày làm đồng cùng gia đình với hy vọng có tiền lo cho cậu con trai ăn học đầy đủ. Những đau khổ của cuộc đời đã làm chai sạn tâm hồn và mờ mắt ô giáo trẻ ngày nào. Lúc nào, Phương cũng chỉ muốn có thật nhiều tiền, nhiều tiền để mau chóng thay đổi cuộc sống. Con đường buôn bán ma túy và bản án chung thân đã trói buộc người đàn bà này như vậy.

Họ đã từng ước mơ…

Những gì mà Lê Thị Hòa và Hà Thị Phương luyến tiếc nhất, đó chính là không còn cơ hội để sửa sai tội lỗi. Họ tiếc cho chính bản thân mình và cho gia đình, vì họ đã từng có một thời ước mơ cháy bỏng được làm người lương thiện, được sống vì yêu thương và ban tặng…

Cô giáo Hà Thị Phương có một cuộc đời đầy sóng gió, không trọn vẹn với những ước mơ của đời mình

Hà Thị Phương được tận mắt chứng kiến sự khó khăn vất vả của học sinh miền núi. Phương đã cố gắng học tập và trở thành giáo viên quay về phục vụ quê hương. Trong câu chuyện của Phương kể vẫn còn đó những buổi ra chơi cô, trò cùng chơi cõng ngựa, bịt mắt… Khi những giọt nước mắt muộn màng rớt xuống cũng là lúc Phương nhớ về củ khoai, rổ sắn mà học trò mang tặng vào những ngày lễ.

Lê Thị Hòa cũng từng có những ước mơ, tuy định mệnh đã vùi dập cuộc đời của nữ phạm nhân này quá sớm. Những ngày trong trại giam, nữ phạm nhân này chỉ có mong muốn duy nhất, là được người vợ mà cô đã phá nát hạnh phúc gia đình tha thứ cho mình. Một ước muốn thực tế, nhỏ nhoi nhưng vô cùng khó trở thành hiện thực.

Kết thúc buổi nói chuyện, những nữ phạm nhân lại lủi thủi một mình bước về khu trại giam. Họ có thể còn băn khoăn câu chuyện của mình rồi sẽ đi về đâu? Hoặc họ cũng chẳng băn khoăn điều gì, vì vốn dĩ họ đã tự mang cho mình một khuôn mặt luôn được nhìn từ phía sau lưng!./.