vov_h5_bgpi.jpg

Sáng 24/10, tại trụ sở UBND thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, TAND tỉnh Điện Biên cùng các cơ quan tố tụng có liên quan tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với vụ án oan 28 năm của gia đình bà Đặng Thị Nga, trú tại khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo. 

Công tác an ninh được Công an tỉnh Điện Biên tổ chức kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo cho buổi xin lỗi công khai được diễn ra an toàn, đúng quy định pháp luật.

Tại buổi xin lỗi công khai, ông Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên thay mặt các cơ quan tố tụng đọc nội dung xin lỗi đối với gia đình bà Nga. Dựa theo các Quyết định đình chỉ vụ án hình sự số 04, Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 04, 05 và 06 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên xác định, bà Đặng Thị Nga không có hành vi che giấu tội phạm, ông Trịnh Công Hiến, Trịnh Huy Dương không có hành vi giết người. Các cơ quan tố tụng có liên quan của tỉnh sẽ tiến hành việc giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

“Thay mặt các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này, TAND Điện Biên xin lỗi công khai đối với bà Đặng Thị Nga, ông Trịnh Huy Dương, Trịnh Công Hiến vì đã điều tra, truy tố, xét xử oan. Trong thời gian tới, khi bà Đặng Thị Nga, ông Trịnh Huy Dương, người đại diện hợp pháp của Trịnh Công Hiến có yêu cầu, TAND tỉnh Điện Biên sẽ tiến hành giải quyết việc giải quyết bồi thường theo đúng các quy định của pháp luật” - ông Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên cho biết. Trong ảnh: Bà Đặng Thị Nga, con trai Trịnh Huy Dương (hàng đầu) tại buổi xin lỗi công khai.

Buổi xin lỗi công khai đã tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân đến tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là bài học lớn cho các cơ quan tố tụng hình sự của tỉnh Điện Biên nói riêng trong việc cầm cân nảy mực, xử đúng người đúng tội, không để lọt tội phạm.

Vụ án oan xuyên thế kỷ của gia đình bà Nga mới chỉ khép lại một nửa. Đã thể hiện được phần nào trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường danh dự cho gia đình sau 28 năm phải chịu tiếng đời, trách nhiệm của các cơ quan hành pháp trong việc tiếp tục làm rõ tường tận vụ án, tìm ra hung thủ vẫn còn là câu hỏi nhức nhối mà nhiều người quan tâm.Trong ảnh: Giọt nước mắt của các thành viên gia đình khi được minh oan sau 28 năm mang tiếng oan giết chồng, giết cha.

Ông Phạm Huỳnh Công, nguyên Kiểm sát viên cao cấp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết: “Không thể nói rằng chuyện qua rồi người trước đã đi thì người sau không biết. Nguyên tắc kế thừa trong luật pháp thì người sau phải chịu trách nhiệm về việc này. 28 năm qua, hồ sơ của vụ án bỏ trong tủ, những người trước đã về, có người đã chết, những người còn lại tại sao không biết. Hàng ngày giao ban, hàng tháng giao ban rồi bàn giao hồ sơ sổ sách rất đầy đủ mà bỏ quên thì trách nhiệm của những người đã làm sai phải chịu xử lý, trách nhiệm của những người bỏ quên hồ sơ cũng phải xử lý”. Trong ảnh: Người dân xúc động trước sự minh oan của gia đình bà Nga.

Theo ông Đặng Huỳnh Công, bước tiếp theo còn 2 việc nữa phải làm đó là bồi thường cho gia đình bà Nga cả về tinh thần và vật chất, trong đó có cả những người đã chết. Phải xử lý thật nghiêm khắc những người có trách nhiệm khi giải quyết vụ án này từ năm 1990 đến nay kể cả những người đã về hưu, kể cả những người đã khuất, phải công khai việc này trước công luận mới gây được niềm tin cho nhân dân và điều đó mới chứng tỏ sự minh bạch của luật pháp. Trong ảnh: Gia đình bà Nga tại buổi xin lỗi công khai.

Buổi xin lỗi công khai đã thể hiện trách nhiệm của các cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên với những vấn đề, ý kiến của công luận thì câu hỏi ai là người phạm tội, trách nhiệm của những người đã tạo ra vụ án oan sai này là như thế nào, vẫn còn là câu hỏi lớn cần tiếp tục được các ngành chức năng trả lời trong thời gian tới./.