Tên tướng cướp máu lạnh khiến nhiều người khiếp sợ
Bạch Văn Chanh là tướng cướp nổi tiếng tàn bạo những năm 90 thế kỷ trước.
Đối tượng SN 1961, tại làng Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam).
Bạch Văn Chanh và chiếc xe Minsk một thời là phương tiện gây án của Chanh. |
Gia đình Bạch Văn Chanh ở gần ga xe lửa Đồng Văn. Chanh sớm bỏ học, lang thang kiếm sống tại ga và chợ Đồng Văn, trộm cắp trên tuyến đường bộ, đường sắt.
Năm 12 tuổi, Chanh được đưa đi trường giáo dưỡng, trở về lại tiếp tục đường cũ, trộm cắp và cướp tài sản trên tuyến Phủ Lý – Hà Nội, Hà Nội – Lạng Sơn.
Chanh còn thành lập 2 băng cướp dọc tuyến từ Nam Hà lên tới Lạng Sơn, gây ra nhiều vụ giết người, cướp tài sản.
Giữa hai băng cướp do Chanh cầm đầu không biết đến sự tồn tại của nhau. Lúc nào Chanh cũng mang theo người một khẩu súng AK cắt báng, một khẩu súng ngắn và một quả lựu đạn.
Đối tượng tàn ác tới mức, rút súng xả cả băng đạn vào “đàn em” vì không biết vâng lời.
Bạch Văn Chanh nổi tiếng là một tên cướp máu lạnh với đôi mắt sắc, cặp lông mày rậm và chiếc cằm nhọn.
Mỗi lần về làng Đồng Văn, Chanh đều ngụy trang là anh bắt cua, lúc là người buôn chuyến… để tránh sự truy bắt của công an. Đối tượng còn đào hầm tại nhà để tử thủ nếu bị Công an vây bắt.
Không phải đơn giản mà giang hồ đất Bắc ở giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước lại "phong" cho Bạch Văn Chanh "ngôi vị" đặc biệt "con quỷ điên".
Phàm đã là dân "số má", xét về "cơ cấu" thường chỉ là anh hùng nhất khoảnh, chứ không thể một sớm, một chiều xưng bá thiên hạ.
Còn nếu đã xét về phân chia phạm vi, quan niệm phổ biến là "nước sông, không phạm nước giếng", chứ đừng nói đến chuyện tranh quyền, đoạt lợi, tước miếng cơm manh áo của nhau.
Thế nhưng, vì sao một đối tượng sinh ra ở đất Nam Hà lại có thể thẳng tiến một đường lên Lạng Sơn để rồi trở thành tướng cướp ở vùng đất biên ải này?
Chanh trở thành tướng cướp không theo cách khua chiêng gõ mõ ăn theo, mà bằng cách cầm đầu, chỉ huy băng nhóm gây ra hàng loạt những vụ án kinh hoàng về độ tang thương, tàn khốc.
Lời kể của người trực tiếp vào “hang” bắt Bạch Văn Chanh
Với những người lên Lạng Sơn buôn bán, Bạch Văn Chanh là nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi những màn cướp có một không hai.
Thượng tá Trần Ngọc Giao (áo trắng). |
Chuyện bắt Chanh và đồng bọn đã tiêu tốn rất nhiều công sức của các chiến sĩ Công an.
Cuối cùng, đã có một người “liều mình” vào tận hang ổ để thuyết phục, khiến tướng cướp khét tiếng hung tàn đã phải buông súng quy hàng…
Người đó là Thượng tá Trần Ngọc Giao, nguyên Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Nam Định.
Thượng tá Trần Ngọc Giao chia sẻ, trước sự tác oai tác quái của tướng cướp Bạch Văn Chanh, Bộ Công an đã thành lập chuyên án và chỉ đạo Công an các địa phương quyết liệt truy bắt.
Công an tỉnh Nam Hà được Bộ chỉ đạo thành lập chuyên án do đồng chí Phạm Toàn Thịnh, Phó Giám đốc làm Trưởng ban.
Đồng chí Trần Ngọc Giao, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự làm Phó ban.
Các lực lượng tham gia truy bắt có Đội Cảnh sát đặc nhiệm Bộ Công an, Đội Đặc nhiệm Hình sự, Đội Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nam Hà và Công an huyện Duy Tiên.
Nhiều tỉnh, thành đã phục kích quyết bắt Chanh nhưng chưa thành.
Có lần Công an tỉnh Lạng Sơn phục kích bắt Chanh. Vừa lăn xuống đồi để tẩu thoát, Chanh vừa rút súng ngắm tổ phục kích bóp cò làm hai chiến sĩ bị thương nặng.
Lần khác, Công an huyện Duy Tiên phối hợp với các lực lượng khác vây bắt Chanh nhưng hắn hung hăng nổ súng bắn lại, gây nguy hại cho lực lượng và nhân dân.
Ngày 15/10/1992, nhận tin Bạch Văn Chanh đang có mặt tại Đồng Văn. Công an Nam Hà nhanh chóng triển khai phương án vây bắt đối tượng.
Khoảng 5 giờ sáng 15/10/1992, lực lượng Cảnh sát hình sự của Bộ, tỉnh Nam Hà và huyện Duy Tiên cùng các chiến sĩ Cảnh sát cơ động tiến hành bao vây khu nhà hắn ở.
Lực lượng chia làm 5 mũi, đồng chí Trần Ngọc Giao được phân công phụ trách mũi I – tức là mũi nguy hiểm nhất, có nhiệm vụ tiếp cận và áp sát nhà Chanh.
Trong nhà, Bạch Văn Chanh cắt chiếc giường ra làm hai, chỉ giữ lại một nửa để nằm, nửa còn lại đối tượng đào hầm, có chiếu đậy bên trên ngụy trang như một cái giường hoàn chỉnh.
Trên miệng hầm để các bao cát, bao thóc. Khi cần, Chanh lăn ngay xuống hầm ẩn nấp và chống trả.
Khoảng 1 tháng trước đó, biết tin mẹ Chanh bị ốm, đồng chí Giao đã đến thăm hỏi, động viên và biếu ít thuốc chữa bệnh.
Và ông khuyên người mẹ tội nghiệp ấy: “Vợ tôi có đưa cho tôi mấy viên thuốc cảm, bà cầm lấy mà dùng… Thằng Chanh nó đang bị truy nã. Bà bảo cháu hãy ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng, nếu không sớm muộn cũng bị bắt…”.
Lúc này, tên Chanh đang ngồi dưới hầm gần đó nghe rõ từng lời đồng chí Phó trưởng Phòng hình sự chia sẻ với mẹ hắn. Trong tay hắn vẫn lăm lăm khẩu súng AK phòng thủ, nhưng tiếp tục lẩn trốn.
Bị Công an bao vây, tên tướng cướp chui xuống công sự tử thủ và nói vọng ra: “Tôi sinh ra ở Đồng Văn, chết cũng ở Đồng Văn”.
Công an kêu gọi đầu hàng, Chanh không trả lời. Đồng chí Giao đã sang nhà bên, gọi Bạch Văn Nghĩa là anh trai Chanh vào nhà kêu gọi Chanh đầu hàng.
Đồng chí Giao dẫn Nghĩa đi vòng quanh ngôi nhà, chỉ cho Nghĩa biết lực lượng Công an đã bao vây mọi ngõ ngách, vì thế Chanh chỉ còn đường sống duy nhất là buông súng đầu hàng.
Lần thương thuyết thứ hai, Chanh chuyển lời qua anh trai đề nghị được gặp người chỉ huy cao nhất để đàm phán với điều kiện người đó phải cởi trần mặc quần cộc, không mang vũ khí khi vào gặp hắn.
Đồng chí Trần Ngọc Giao vào gặp Chanh. Đại tá Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, thời đó là Đội trưởng Đặc nhiệm xin đi cùng nhưng không được.
“Cậu còn trẻ, còn gia đình vợ con. Mình tôi vào là đủ, không phải lo lắng gì…”, ông Giao nói.
Trước những lời uy hiếp của tên tướng cướp, đồng chí Giao tay không bước vào nhà, cất giọng dõng dạc: “Tao nói cho mày biết, tao đã vào đây là chấp nhận cái chết. Mày đừng có đem cái chết ra dọa tao. Giờ mày chỉ có đầu hàng chứ không có đầu thú gì nữa. Thôi, đưa súng đây”.
Vị chỉ huy giằng lấy khẩu súng trên tay Chanh và nắn người Chanh tìm khẩu súng ngắn. Sau đó thu luôn khẩu súng ngắn và thu hàng trăm viên đạn ở 2 túi quần, túi áo tên tướng cướp.
Ông chỉ đạo các đồng chí Cảnh sát Cơ động và trinh sát đặc biệt của Công an Nam Hà vào bắt giữ Chanh và khám xét nhà.
Tổng số vũ khí thu của Chanh gồm 1 súng ngắn K54, 1 AK báng gấp, 1 lựu đạn và trên 700 viên đạn.
Khi bị bắt về cơ quan Công an, tên tướng cướp khét tiếng đã bộc lộ: “Lúc chú ấy một mình bước vào nhà thì cháu biết là chú ấy không sợ chết. Trước đó, chú ấy đã từng đến gia đình động viên, an ủi lúc mẹ cháu ốm và biếu thuốc cho mẹ cháu. Lời nói của chú ấy có lý, có tình khiến cháu rất cảm động... Làm sao mà cháu lại chĩa súng mà bắn chú ấy được, mặc dù đạn đã lên nòng…”.
Cha tướng cướp, con "nối nghiệp"
Bạch Văn Chanh là đối tượng có mối quan hệ xã hội phức tạp. Ngoài những "bóng hồng" bí ẩn trong quá trình lăn lộn trong giới giang hồ, Bạch Văn Chanh còn có vợ và con ở quê nhà.
Đối tượng Bạch Như Phong bị CAQ Đống Đa bắt giữ. |
Tại Hà Nam, tướng cướp họ Bạch có vợ và ba người con, hai trai, một gái. Người con đầu và con út đã lập gia đình, còn người con trai thứ hai tên là Bạch Văn Dũng, chưa lập gia đình.
Bạch Văn Dũng, Sn 1983, tại Đồng Văn, Hà Nam. Dũng cũng sớm tham gia vào đường dây mua bán trái phép chất ma túy ở Hà Nam, gây ra một số vụ cướp tài sản tại Hà Nam và bị Công an huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bắt giữ vào năm 2012.
Thượng úy Phạm Ngọc Sáng - đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, để lên kế hoạch bắt những đối tượng trong đường dây ma túy mà Bạch Văn Dũng tham gia, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phải rất vất vả.
Bạch Văn Dũng cũng là đối tượng rất khó nắm bắt, theo dõi. Phương thức tổ chức, hoạt động của đường dây mua bán trái phép chất ma túy này rất tinh vi, bài bản.
Bạch Văn Dũng cũng phần nào thể hiện đúng "bản lĩnh" của con trai tướng cướp.
Đến ngày 19/12/2016, tới lượt Bạch Như Phong, SN 1992, một trong trong số những người con của Bạch Văn Chanh đã bị Công an quận Đống Đa, Hà Nội bắt giữ về hành vi “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Phong là con trai của một người vợ bé của Chanh ở Lạng Sơn.
Mặc dù còn ít tuổi nhưng Bạch Như Phong đã thể hiện bản chất lì lợm và máu lạnh như người cha.
Đối tượng thường xuyên vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ.
Ngoài ra, Phong luôn đem theo bên người 1 khẩu súng K54 đạn đã lên nòng sẵn.
Nói về vụ án Bạch Văn Chanh có rất nhiều tình tiết ly kỳ gai góc, khiến nhiều cán bộ chiến sĩ Công an phải lao tâm khổ tứ, dày công chiến đấu trên diện rộng của khá nhiều tỉnh, thành.
Sau khi tung hoành ngang dọc, cướp bóc, giết chóc khắp nơi, đối tượng mới quay về Hà Nam ẩn náu.
Tuy nhiên, khi về Hà Nam thì bản chất của Chanh vẫn giữ nguyên, đối tượng tiếp tục gieo rắc tội ác.
Nếu xét theo quy luật, thì đây là vòng tròn khép kín trong cuộc đời tội lỗi của Bạch Văn Chanh.
Từ mảnh đất này ra đi gây án khắp nơi, sau đó lại bỏ trốn về quê tiếp tục gây án cho đến ngày bị bắt, đền tội.
Những người con của Bạch Văn Chanh nếu không sớm rút ra bài học từ người cha đã quá “nổi tiếng”, tiếp tục dấn thân vào con đường tội lỗi, gây ra những hành động trái với lương tâm, đạo lý con người rồi cũng sẽ phải trả giá, “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”.
Pháp luật không dung thứ cho một tội phạm nào./.
Những tình tiết ‘nóng’ từ vụ bắt đối tượng cướp ngân hàng ở Huế