Chiều 16/5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoà Bình tiếp tục với phần xét hỏi.

xet_xu_vu_bac_si_hoang_cong_luong_vov_vn_sjaa.jpg
Ông Đỗ Quốc Quyền (áo kẻ sọc) - người đại diện cho ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Đáng chú ý trong phiên tòa sáng 16/5 là sự xuất hiện của người đại diện cho ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Đó là luật sư Đỗ Quốc Quyền, đoàn LS Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, vị luật sư này cho biết: "Hôm qua (15/5), tôi nhận được văn bản ủy quyền từ phía ông Trương Quý Dương. Các thủ tục cần thiết đã được làm trước đó".

Nhận định sự cố chạy thận là một vụ việc đáng tiếc, do lỗi vô ý của một số bộ phận, ông Quyền cho rằng, những gì diễn ra trong phiên tòa sáng nay (16/5) cho thấy, lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên thận nhân tạo, các bác sỹ và điều dưỡng trong quá trình làm việc không có sự thống nhất với nhau. Ông Quyền đề nghị Tòa thu thập thêm bằng chứng từ đội ngũ y bác sỹ của Đơn nguyên lọc thận nhân tạo.

Vị đại diện ủy quyền cho ông Trương Quý Dương cho rằng, trách nhiệm thuộc về các khoa, phòng trong khi việc của ông Dương là phân công nhiệm vụ trong Ban giám đốc.

"Đợt xảy ra sự cố, trong Ban giám đốc còn có sự có mặt của bác sỹ Hoàng Đình Khiếu là Trưởng khoa Hồi sức tích cực kiêm Phó Giám đốc bệnh viện.  Những việc liên quan đến khoa và phòng chỉ cần báo cáo với Ban giám đốc là được, trừ những việc quan trọng mà bác sỹ Khiếu cần phải hội ý với Giám đốc thì lúc đó mới cần ông Dương", vị luật sư này chia sẻ.

Ông Quyền nói, trong thời gian ông Dương chưa kịp về Việt Nam, ông sẽ đại diện ủy quyền cho ông Dương để làm việc tại Tòa.

Ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình (Ảnh: QĐND)
Trước đó, dù được mời đến phiên tòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Qúy Dương có đơn xin xét xử vắng mặt. 

Theo luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - một trong 6 luật sư đăng ký bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương, nếu xét xử mà không có mặt của ông Trương Quý Dương (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khi vụ án xảy ra) thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. 

Trong trường hợp này, Công ty Trâm Anh đã thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị đối với đơn nguyên thận nhân tạo của khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) suốt nhiều năm qua và lên đến gần 20 lần. Ls Lê Văn Thiệp cho rằng, một đơn vị không có chức năng, không có ngành nghề kinh doanh mà pháp luật cho phép đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó là sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị y tế và cũng không có chuyên môn về y tế, dẫn đến việc họ đã thực hiện sai trong đó có việc sử dụng các hóa chất bị cấm.Như vậy, trong trường hợp này, nếu như không có sự có mặt của ông Dương thì việc giải quyết vụ án này sẽ không triệt để và điều đó chắc chắn sẽ làm oan người vô tội. /.