Sáng 16/1, phiên toà xét xử vụ án vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục diễn ra với phần đối đáp của luật sư với đại diện VKS.

Bị cáo không cố ý làm trái?

Là người phát biểu đầu tiên, dẫn quy định tội Cố ý làm trái không còn nữa, luật sư Lê Văn Thiệp nhấn mạnh điều này thể hiện nhận thức của xã hội về nhu cầu điều chỉnh pháp luật trong quản lý kinh tế. Trong trường hợp này, toàn bộ mục đích như cáo trạng và VKS xác định là sử dụng nguồn tiền đưa vào giúp PVC thanh toán để tránh mất cân đối, họ tối đa hoá lợi ích cho PVC.

ls_thiep_myjr.jpg
Luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Đề cập hợp đồng 33, luật sư Lê Văn Thiệp lưu ý theo cơ chế quản trị doanh nghiệp ở PVN thì các đơn vị thành viên có đầy đủ các quyền thực hiện, có phân cấp phân quyền. Logic nhất trong hành vi của vụ án nằm ở tội danh khác chứ không phải cố ý làm trái.

Ông Thiệp cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng lợi dụng cơ chế đặc thù, bởi điều này là không thoả đáng. Giai đoạn xảy ra vụ án chính sách chưa hoàn thiện, người tiên phong mở đường rất dễ lĩnh hậu quả. Trong khi đó, PVN, PVC tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người. Phần luận tội mới xác định các hành vi chứ không đánh giá cái được và chưa được đối với dự án. Tình tiết tăng nặng chỉ là lợi dụng chức vụ quyền hạn chứ không phải phạm tội có tổ chức. Các bị cáo làm là theo phân công phân nhiệm và không cố ý là trái mà muốn sử dụng nguồn lực vì mục tiêu kinh doanh.

“Chủ thể PVC ở đây là bên nhận thầu, tiếp nhận điều khoản hợp đồng có lợi cho mình thì gây nguy hiểm gì?” – luật sư đặt vấn đề một lần nữa nhấn mạnh dù có gây ra hậu quả thì vai trò của ông Trịnh Xuân Thanh là thấp nhất bởi là bên nhận thầu.

Cũng bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh mở đầu phần đối đáp đã gửi lời cám ơn đại diện VKS đã trả lời đề nghị của ông liên quan đến xem xét lại đánh giá thân chủ Trịnh Xuân Thanh quanh co chối tội. Tuy khẳng định đó là quyền của bị cáo nhưng VKS lại không cho hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh 

Ông Nguyễn Văn Quynh cũng bày tỏ thất vọng với việc VKS đưa ra các lập luận để nói bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC ký hợp đồng EPC số 33. Theo luật sư, bản chất PVC là bên nhà thầu, Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT PVC chứ không có vai trò chỉ đạo xuyên suốt quá trình.

“Dư luận thời gian qua cũng rất nặng nề với bị cáo Thanh, ngay luật sư chịu sức ép lớn” – ông Quynh bày tỏ và sau khi đưa ra hàng loạt lập luận và bút lục đã đề nghị HĐXX tuyên thân chủ của mình là Trịnh Xuân Thanh vô tội về hành vi Cố ý làm trái.

Chưa chứng minh được Trịnh Xuân Thanh nhận tiền

Liên quan đến hành vi tham ô tài sản, Luật sư Lê Văn Thiệp dẫn lời của đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ để xác định bị cáo Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản. Tuy nhiên, luật sư cho biết đã tìm tất cả chứng cứ trong hồ sơ và thấy rằng không phù hợp với quy kết.

Tiếp tục dẫn lời khai của Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó TGĐ PVC, Lương Văn Hoà – nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch cũng như các nhân chứng là lái xe Kế, lái xe Toàn, luật sư cho rằng việc lập khống hồ sơ rút tiền là có nhưng dòng tiền đi đâu thì chưa được làm rõ. Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng cũng cần phải thẩm định vì chưa thể khẳng định thứ trong túi là tiền.

“Lời khai ít nhất phải chứng minh được chứ không phải niềm tin nội tâm. Trong trường hợp này niềm tin thôi chưa đủ để chứng minh vi phạm pháp luật mà phải chứng minh bằng chứng cứ phù hợp” – luật sư Thiệp nêu ý kiến và đặt vấn đề nếu nói rằng hàng tỷ đồng được chi đối ngoại thì chi cho ai, nếu có cần làm rõ vì nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trước toà

Theo luận tội của VKS, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC không đúng pháp luật để PVC được nhận và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước. 

Đối với hành vi tham ô, bị cáo là người giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó bị cáo trực tiếp chiếm đoạt 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng./.