Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo giả danh công an rất tinh vi, có sự câu kết giữa đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài theo quy trình: thu thập thông tin về nạn nhân - giả mạo số điện thoại của cơ quan điều tra gọi điện đe dọa nạn nhân - yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra” rồi nhanh chóng tẩu tán tiền trong tài khoản và xóa dấu vết.
Ông Tuấn (khu phố 2, phường Đạo Long, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) là một nạn nhân bị lừa đảo với số tiền 335 triệu đồng. Sáng 12/6, ông Tuấn nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ của Bộ Công an, cho biết đang bắt giữ và điều tra một nhóm tội phạm sử dụng số chứng minh nhân dân của ông để thực hiện hành vi phạm tội.
Qua điện thoại, đối tượng cho biết, số tiền ông Tuấn đang gửi tại ngân hàng có liên quan đến vụ án đang điều tra và yêu cầu làm rõ nguồn gốc số tiền có trong tài khoản của ông Tuấn. Đối tượng đề nghị ông Tuấn chuyển hết số tiền trong tài khoản của mình để giữ và điều tra; nếu không phát hiện vấn đề gì liên quan đến vụ án thì chuyển trả lại số tiền trên cho ông Tuấn.
Vì muốn phối hợp điều tra với cơ quan công an, ông Tuấn đã chuyển số tiền 335 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng ngay trong buổi sáng hôm đó. Đến 14h chiều, do nghi ngờ, ông Tuấn đã đến cơ quan điều tra Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trình báo thì mới biết mình bị lừa.
Với thủ đoạn tương tự, các đối tượng cũng đã gọi điện tới gia đình ông Trương Trọng Hạp (khu phố 7, phường Kinh Dinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) để thực hiện hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, nhờ đề cao cảnh giác, bình tĩnh xử lý tình huống, yêu cầu đối tượng cho biết danh tính và nhanh chóng tới cơ quan công an trình báo, gia đình ông Hạp đã tránh được cú lừa.
Ông Trương Trọng Hạp cho biết thêm đối tượng gọi điện đã dọa ông bắt tạm giam 2 tháng nên gia đình ông mới lên báo Công an phường Kinh Dinh biết để can thiệp.
Thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho thấy, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có hơn 40 trường hợp bị lừa tiền. Nguyên nhân do người dân vừa thiếu hiểu biết về pháp luật, vừa mất cảnh giác nên bị mắc lừa và chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Cơ quan điều tra cảnh báo khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện đến hỏi thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ.
Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại.
Thượng tá Hà Công Sơn, Phó trưởng Công an thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận cho biết đã thông tin đến Sở Thông tin – Truyền thông, các nhà mạng để gửi tin nhắn cảnh báo đến các thuê bao để mọi người biết phương thức phạm tội. Song song với đó, lực lượng chức năng tiến hành các hoạt động điều tra liên quan đến tội phạm như số điện thoại, số tài khoản, số CMND của các đối tượng.
Bên cạnh đó, để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng. Cần hết sức thận trọng, không nên đưa các thông tin cá nhân của thân nhân, bạn bè như họ tên, chức vụ, nghề nghiệp, đơn vị công tác… lên mạng xã hội. Trong trường hợp chuyển tiền vào tài khoản người khác nếu nghi hoạt động lừa đảo thì người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn./.
Giả danh công an gọi điện lừa phụ nữ và người già tiền tỉ