Hôm nay (19/9), Tòa án Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm bị kháng cáo của bị cáo Lê Văn Tuyền (SN 1965) - nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức quyền khi thi hành công vụ”.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM cho rằng, tòa sơ thẩm quy kết tội cho bị cáo Tuyền thiếu thuyết phục. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Cường (SN 1973, nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng - Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp) khẳng định không nhận được sự chỉ đạo của bị cáo Tuyền, thế nhưng tòa sơ thẩm và cáo trạng lại nhận định bị cáo Cường làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Tuyền. Bị cáo Tuyền khai chỉ ký vào hồ sơ nghiệm thu khi các cán bộ khác đã ký xác nhận đầy đủ thủ tục, nhưng tòa sơ thẩm lại không làm rõ các vấn đề này.

Riêng đối với tội “lợi dụng chức quyền khi thi hành công vụ”, theo lời khai của bị cáo Tuyền, tất cả các hợp đồng vay của Trung tâm tư vấn kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp (thuộc phòng Nông nghiệp) đều để phục vụ hoạt động của Trung tâm. Thế nhưng, tòa sơ thẩm không điều tra làm rõ các vấn đề về tài chính của Trung tâm từ khi thành lập đến khi vay tiền các tổ chức trên cụ thể ra sao, nguồn vốn do đâu mà có, phục vụ mục đích gì; không thu thập sổ sách kế toán của Trung tâm mà chỉ căn cứ vào lời khai của các Phó Giám đốc Trung tâm và kế toán mà quy kết tội cho bị cáo Tuyền là chưa có cơ sở vững chắc.

Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ khác trong các sai phạm xảy ra tại Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hiệp. Do vậy, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 102/2015/HSST ngày 14/10/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh, chuyển hồ sơ về Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, năm 2009, công trình kênh 3B có chiều dài hơn 5.000 m và kênh 4B dài gần 5.000 m, thuộc xã Tân An được thi công với tổng vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng. Dù biết hai công trình này chưa hoàn thành nhưng Nguyễn Văn Cường (Phó Giám đốc BQL dự án, Phòng Nông nghiệp và Nguyễn Hữu Thức (SN 1979, nguyên cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng - Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp) vẫn ký đề nghị, sau đó đưa cho Tạ Minh Châu (SN 1967, nguyên cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp) và Tuyền ký, chuyển đến Phòng Tài chính huyện thẩm định. Theo kết luận điều tra, với hai công trình quyết toán khống này, Tuyền, Thức, Châu, Cường đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 744 triệu đồng.

Cũng trong năm 2009, Tuyền được phân công làm Giám đốc Trung tâm tư vấn kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp. Năm 2010, lợi dụng trách nhiệm được giao, Tuyền lấy tư cách pháp nhân của Trung tâm này để làm hồ sơ vay Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Kiên Giang số tiền 7,5 tỷ đồng và được Quỹ đầu tư phát triển Kiên Giang chấp thuận bảo lãnh, sau đó được ngân hàng cho vay 3,2 tỷ đồng.

Đến năm 2011, Tuyền tiếp tục vay 1,2 tỷ đồng. Hai khoản vay này Tuyền không nhập vào quỹ của Trung tâm mà đem trả tiền mua thuốc trừ sâu, lúa giống… gần 1,7 tỷ đồng. Việc mua bán cũng không mở sổ thu chi, không nhập quỹ, không công khai tài chính. Số tiền được vay còn lại Tuyền sử dụng vào mục đích cá nhân.

Để có tiền trả nợ ngân hàng, năm 2012, Tuyền tiếp tục lập dự án mua bán phân bón, thuốc nông dược để thực hiện cánh đồng mẫu lớn, vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Sau đó, bằng với nhiều thủ đoạn, Tuyền đã được Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Kiên Giang cho ứng vốn 4 tỷ đồng.

Khi có tiền, Lê Văn Tuyền chuyển trả cho ngân hàng vay từ năm 2010 và phần còn lại rút tiền mặt. Việc vay vốn, mua bán do một mình Tuyền quan hệ thực hiện nên số tiền 4 tỷ đồng không được nhập quỹ của Trung tâm tư vấn kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện mà Tuyền chiếm giữ sử dụng cho mục đích cá nhân.

Tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên buộc doanh nghiệp tư nhân Minh Cảnh (đơn vị thi công) hoàn trả nhà nước hơn 709 triệu đồng (doanh nghiệp đã nộp đủ) và Ban quản lý dự án huyện Tân Hiệp trả lại nhà nước trên 34 triệu đồng (đơn vị này đã trả đủ).

Cùng với bị cáo Tuyền, các bị cáo Cường cũng bị phạt 1 năm 3 tháng 11 ngày tù giam; Châu 11 tháng 11 ngày tù giam; Thức 1 năm 3 tháng 11 ngày tù giam, đều cùng về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đây là hình phạt bằng với thời gian tạm giam nên cả ba bị cáo được trả tự do ngay tại Tòa ngày 14/10/2015. Riêng bị cáo Lê Văn Tuyền bị tuyên phạt 15 năm tù, đồng thời buộc phải trả cho Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Kiên Giang số tiền 4 tỷ đồng./.