Nguồn tin của VOV.VN cho biết, tòa án Hà Nội đã triệu tập, đồng thời cơ quan chức năng đã di lý Phạm Công Danh – Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) –Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh ra phiên tòa xét xử đại án kinh tế tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Cựu Chủ tịch VNCB liên quan đến Hà Văn Thắm trong việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn.

pham_cong_danh_jxjn_bwla.jpg
Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử đại án kinh tế tại VNCB

Trong phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại VNCB (trước đây là Ngân hàng Đại Tín), Phạm Công Danh nhận mức án 30 năm tù giam.

Theo nội dung vụ việc, đầu năm 2012, NHNN có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các Ngân hàng TMCP yếu kém. Ngân hàng TMCP Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn cũng nằm trong số đó.

Do muốn thâu tóm một số Ngân hàng TMCP về Oceanbank, nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín đặt vấn đề chuyển giao lại Đại Tín cho Hà Văn Thắm.

Thắm gây sức ép bằng việc đưa ra những sai phạm trong quá trình quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín… để yêu cầu bà Phấn phải chuyển nhượng lại cổ phần tại Đại Tín.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản NH Đại Tín phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên Hà Văn Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại NH Đại Tín. Hà Văn Thắm quen biết Phạm Công Danh thông qua cựu TGD Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn.

Thông qua Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn thực hiện cuộc giao dịch chuyển nhượng NH Đại Tín. Thắm và Phạm Công Danh thỏa thuận vấn đề chuyển nhượng ngân hàng.

Giá trị chuyển nhượng, ban đầu là 1.000 tỷ đồng, sau đó là 800 tỷ đồng. Giá cuối chốt 500 tỷ đồng. “Hà Văn Thắm gọi đây là phí chăm sóc khách hàng”, Phạm Công Danh khai tại tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại VNCB.

Giữa tháng 11/2012, Thắm và Danh và Phấn bàn bạc thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank và thế chấp bằng tài sản của bà Hứa Thị Phấn.

Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại NH Đại Tín, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh sẽ trả tiền mua cổ phần NH Đại Tín của nhóm bà Phấn.

Kể từ khi nhóm cổ đông mới là nhóm Phạm Công Danh quản trị, điều hành VNCB, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không hiệu quả.

Đến cuối năm 2013, theo báo cáo tài chính VNCB, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế hơn 11.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.200 tỷ đồng.

Tại thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm vào 26/7/2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.400 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là hơn 38.200 tỷ đồng, tổng tài sản là hơn 16.700 tỷ đồng.

Sự lụn bại của NH Đại Tín sau này là VNCB kéo theo việc Phạm Công Danh đứng trước vành móng ngựa với các tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho hay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. NH VNCB sau đó cũng được NHNN mua lại với giá trị 0 đồng./.