hst_dan_tri_axup.jpg
Bộ Công an trao vừa quyết định nghỉ hưu cho Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (ảnh), Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), người được dư luận biết đến với các thành tích phá án nhanh, đặc biệt là các vụ trọng án, đương đầu với những tội phạm nguy hiểm. Trả lời báo Công an Nhân dân, ông Tiến từng nói rằng, muốn khám phá được các vụ án, đặc biệt là các vụ trọng án, nhất thiết người chỉ huy trực tiếp phải có mặt ở hiện trường để biết và cảm nhận từng chi tiết nhỏ nhất. Từ đó mới có những nhận định đúng về tính chất vụ án, về đối tượng và hướng điều tra. (Ảnh: Dân Trí)

Đây là lý do giải thích vì sao khi tham gia phá các vụ trọng án, người ta luôn thấy tướng Tiến xuất hiện ở hiện trường dù ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Trong ảnh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến và cán bộ Cục Cảnh sát hình sự vượt đồi núi để vào hiện trường vụ sát hại 4 người ở bản Phồng, xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An). Một chi tiết khá đặc biệt là trong quá trình khám phá vụ án nghiêm trọng này, trong khi chưa kịp về Nghệ An, tướng Tiến đã nhận được tâm thư của một cô gái bày tỏ nguyện vọng ông sẽ về điều tra vụ án nghiêm trọng ở quê hương cô. (Ảnh: Vietnamnet)

Kết thúc vụ án này, câu chuyện “Phá án từ… quả chanh” được đăng trên báo Công an Nhân dân đã cho thấy khả năng phán đoán và phá án thông minh của tướng Tiến. Để tìm ra chứng cứ bắt Vi Văn Hai, tướng Tiến đã liên tưởng từ những cây chanh mình gặp trên đường vào bản Phồng (chỉ có cây chanh ở vườn nhà các nạn nhân có quả) và việc Vi Văn Hai đang ăn cỗ bỗng bỏ đi đúng thời điểm vụ án xảy ra và mang về cho mọi người mấy quả chanh để ăn. Trong ảnh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cùng tổ công tác lội suối vào hiện trường vụ thảm án tại bản Phồng.(Ảnh: Tiền Phong)

Có thể nói ông để lại dấu ấn khá đậm nét trong việc phá các vụ trọng án. Trong ảnh, Tướng Hồ Sỹ Tiến hỏi cung đối tượng Doãn Trung Dũng - nghi phạm trong vụ án sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh xảy ra năm 2016. Đối tượng đã nhận ra ông khi ông vừa bắt đầu hỏi cung nghi phạm: "Cháu biết chú Tiến rồi, chú điều tra vụ thảm sát ở Bình Phước". (Ảnh: Công an Nhân dân)

Ông Tiến thường nói với các trinh sát, bắt tội phạm phải bằng cái đầu chứ không phải bằng đôi tay. Từ việc phát hiện ra tin nhắn nhờ người quen mua thuốc ngủ của thủ phạm vụ sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh, ban chuyên án đã “dàn dựng” và bắt giữ thành công đối tượng tại một quán cà phê ở gần cầu Bính (Hải Phòng)… Sau này, khi ra trước tòa, tên Dũng đã nói lời cảm ơn “chú Tiến” vì đã bắt sớm nếu không hắn đã tử tự chết, theo Công an Nhân dân. Trong ảnh, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến xem xét hiện trường vụ thảm án ở Quảng Ninh. (Ảnh: Kiến Thức)

Đánh giá về quá trình phá vụ án sử dụng vũ khí nóng đi cướp ngân hàng Vietcombank, phòng giao dịch thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) vào tháng 5/2017, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho rằng, thành công nhất của chuyên án này là sự phối hợp tốt giữa lực lượng của Bộ Công an với Công an tỉnh Trà Vinh. Và "điều cốt tử" theo ông là các nguồn tin thu thập đều có sự phân tích, nhận định và kết quả nhận định là hoàn toàn chính xác. (Ảnh: Người Lao Động)

Nghi phạm trong vụ án là Lê Lâm Hưng (ảnh) (29 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh, kỹ sư Ban Quản lý Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3) do mê cá độ bóng đá qua mạng, dẫn đến nợ nần, cộng với làm ăn thua lỗ, không có khả năng chi trả nên lập kế hoạch đi cướp ngân hàng. Sau khi cướp được hơn 1,6 tỷ đồng và 35.900 USD, đối tượng đã đem phần lớn số tiền này đi trả nợ bạn bè, người thân. (Ảnh: Người Lao Động)

Quá trình điều tra vụ thảm án ở Bình Phước vào tháng 7/2015 làm 6 người trong một gia đình tử vong, sau khi nghiên cứu kỹ hiện trường vụ án, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nhận định chắc chắn kẻ gây án là người quen của các nạn nhân và phải có "nội gián" mở cửa cho đối tượng. Từ nhận định này, đối tượng Nguyễn Hải Dương được đưa vào tầm ngắm. Trong ảnh, Tướng Tiến chỉ đạo công tác khám nghiệm hiện trường vụ thảm án ở Bình Phước. (Ảnh: Công an Nhân dân).

Theo Zing, Tướng Tiến cho biết, lúc đầu khi làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Hải Dương đã đưa ra nhiều bằng chứng ngoại phạm chứng minh mình vô tội, thậm chí tuyên bố im lặng cho đến khi có luật sư bào chữa, nhưng trước vị tướng dày dặn kinh nghiệm, hung thủ đã phải cúi đầu nhận tội. Trong ảnh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (áo xanh) kiểm tra lại hiện trường. (Ảnh: Công an TPHCM)

Ngày 12/8/2015, bắt nguồn từ một số mâu thuẫn và tranh chấp, nghi phạm Đặng Văn Hùng đã ra tay sát hại 4 người tại thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Vân Yên, tỉnh Yên Bái, gồm: Phàn Thị Hoa (SN 1995) và chồng là Trần Văn Long (SN 1983); cháu Trần Văn Truyền (SN 2013), con của vợ chồng anh Long, chị Hoa và cháu Phàn Thị Hà (15 tuổi), là em ruột của nạn nhân Phàn Thị Hoa. Trong ảnh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến vào hiện trường vụ thảm sát ở Văn Yên, Yên Bái (tháng 8/2015) (Ảnh: Công an TPHCM)

Sáng 14/8, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cùng các cán bộ công an di chuyển vào hiện trường vụ án để trực tiếp phối hợp kiểm tra, chỉ đạo các trinh sát vây bắt bị can gây án đang chạy trốn. Đến hơn 10h ngày 15/8, Đặng Văn Hùng và Nguyễn Thị Hán (tức Hương) bị phát hiện bắt giữ tại huyện Lục Yên - Yên Bái. (Ảnh: VTC News)

Tướng Hồ Sỹ Tiến là người mà bất cứ khi nào xảy ra trọng án, người ta đều nghĩ ngay đến ông bởi sự có mặt của ông sẽ góp phần khép lại nhanh chóng các vụ án. Trong ảnh, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (áo xanh đầu tiên bên trái) trong đêm dẫn giải Lê Văn Luyện sát thủ gây ra vụ giết người, cướp của tại tiệm vàng Ngọc Bích ở khu phố Sàn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) về trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Zing)

Quá trình truy bắt Lê Văn Luyện khi đối tượng bỏ trốn lên Lạng Sơn, Tướng Tiến đã trực tiếp lên Lạng Sơn, thuyết phục người thân của Luyện để đưa đối tượng về chịu tội. Đêm 31/8/2011 khi Luyện bị bắt giữ, đưa về trại tạm giam Công an Bắc Giang. Đến 4h sáng hôm sau, người ta đã nghe thấy tiếng ông trong phòng hỏi cung. Trong ảnh, xem xét hiện trường nơi Luyện đột nhập vào tiệm vàng. (Ảnh: VnExpress)
Gần đây nhất, tháng 9/2017, Tướng Tiến tiếp tục ghi dấu ấn khi được giao nhiệm vụ cầm đầu cánh quân truy bắt Lê Văn Thọ, khi đối tượng cùng với Nguyễn Văn Tình trốn khỏi phòng biệt giam ở Trại giam T16.  Đặc biệt, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến là người đã từng chỉ đạo bắt giữ các vụ án liên quan đến Thọ (lần đầu tiên trong vụ bắt cóc ở Sơn La, lần 2 là vụ hắn gây án khi đang thụ án tại Trại giam Nam Hà). Trong ảnh, các trinh sát khống chế, bắt giữ Lê Văn Thọ (Ảnh: Công an Nhân dân)
Trong lần thứ 3 Thọ "sứt" vẫn không thể thoát. Trên đường dẫn giải đối tượng về Trại tạm giam T16 ở Hà Nội, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến hỏi Thọ “sứt”: “Mày có nhớ chú không?”. Thọ lí nhí: “có ạ”.

Trong vụ án bé 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa bị bắt cóc, sát hại, các trinh sát của Cục Cảnh sát hình sự C45 và Tướng Tiến cũng được yêu cầu hỗ trợ công an tỉnh Thanh Hóa để thu thập, đánh giá chứng cứ, hiện trường nơi xảy ra vụ án, để từ đó triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra, xác minh rõ. Vụ việc xảy ra vào tối 25/11, thì đến sáng 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã điều tra, làm rõ và xác định được nghi can gây ra cái chết của cháu bé là bà Phạm Thị Xuân (SN 1952, ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) là bà nội cháu bé.