Sẽ chấp hành theo phán quyết của toà phúc thẩm
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Phùng Đình Thực – cựu TGĐ PVN bị toà sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và chịu trách nhiệm bồi thường 7,5 tỷ đồng. Ngay sau đó, bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan.
Trong phiên toà phúc thẩm chiều nay (8/5), trả lời HĐXX, ông Phùng Đình Thực cho rằng hành vi của mình trong vụ án này là rất hạn chế do sự phân cấp phân quyền và đặc thù của PVN nhưng HĐXX cấp sơ thẩm đánh giá và kết án như vậy là rất nặng.
Bị cáo nói rằng PVN kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và thời điểm đó ngoài dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 còn có hàng chục dự án trọng điểm. Tập đoàn phân công rõ ràng cho các Phó TGĐ phụ trách cụ thể cũng như phân quyền rất rộng để chủ động giải quyết công việc và chịu trách nhiệm đến cùng.
Bị cáo Phùng Đình Thực tại phiên toà sơ thẩm |
Trong đơn kháng cáo kêu oan, bị cáo Phùng Đình Thực cho rằng mình không chỉ đạo PVPower trong việc ký hợp đồng EPC 33 sai quy định. Trước ngày 16/6/2011, bị cáo không hề biết hợp đồng này không có căn cứ pháp lý và không có hiệu lực thi hành; không có vai trò gì về việc tạm ứng tiền cho PVC... Ngoài ra, ông Phùng Đình Thực cũng đưa ra 28 chứng cứ, trong đó 11 chứng cứ mới hoàn toàn.
Các văn bản mà toà cấp sơ thẩm quy buộc bị cáo biết nhưng một lần nữa ông Phùng Đình Thực khẳng định thực tế mình không nhận được. Bị cáo nhận có phần trách nhiệm với vai trò là TGĐ tập đoàn khi vụ án này xảy ra nhưng bản thân không cố ý làm trái nên mong toà cấp phúc thẩm xem xét.
Liên quan đến câu hỏi của HĐXX về việc khắc phục hậu quả, cựu TGĐ PVC cho hay chưa có đơn nhưng “nếu toà phúc thẩm tuyên thì bị cáo chấp hành và bị cáo sẽ bán nhà để khắc phục”.
Không cố ý làm trái nhưng thấy có phần trách nhiệm
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc văn bản phải đóng dấu mật và tại sao mất cả tháng mới được xem xét xử lý, bị cáo Phùng Đình Thực cho rằng việc đóng dấu mật như vậy nhằm văn bản đến trực tiếp ông xem xét chứ không thông qua người phụ trách. Trong văn bản có nhiều nội dung mới và ông Thực cho rằng chính việc đóng dấu mật như vậy đã có tác dụng khi ông nắm được vấn đề và chỉ đạo giải quyết.
Cũng theo bị cáo, sau khi nhận văn bản đã chỉ đạo ngay Phó TGĐ Nguyễn Quốc Khánh và ban tham mưu nghiên cứu giải quyết. Sau 1 tuần không thấy giải quyết, bị cáo lại yêu cầu ban tham mưu báo cáo. “Bị cáo thấy thế rất chậm nên yêu cầu tổ chức cuộc họp gấp mời các ban ngồi bàn cách giải quyết. Ngay tuần sau chưa thấy báo cáo thì trong giao ban bị cáo hỏi bị cáo Khánh thì được biết các ban đang xem xét nhưng hướng là phải thanh lý hợp đồng” – bị cáo Thực cho biết nhưng tiếp tục 2 tuần không nhận được báo cáo thì chính ông bút phê vào văn bản giao ban rằng phải xử lý ngay theo đúng pháp luật.
Ông Thực khẳng định, đến 20/9, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh báo cáo thanh lý hợp đồng thì ngay trong ngày bị cáo ký quyết định thanh lý hợp đồng. Như vậy với 4 lần chỉ đạo, 3 lần bút phê đã thể hiện bị cáo cương quyết chỉ đạo xử lý.
“Việc ai để ký sai hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm còn bị cáo không bao giờ bao che nên khi biết thì chỉ đạo khắc phục ngay. Để xảy ra vụ án với nhiều cán bộ vướng vòng lao lý như thế thì bị cáo nhận thấy mình có phần trách nhiệm” – bị cáo Phùng Đình Thực nói./.
Cựu Phó Tổng Giám đốc PVN rút kháng cáo dân sự, khắc phục xong 7,5 tỷ
Vụ án xảy ra tại PVN và PVC: Lãnh đạo quyết liệt nên phải chuyển tiền
Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút kháng cáo kêu oan vụ PVC