Sáng 20/6, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng – cựu Chủ tịch HĐTV/HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm trong vụ án PVN góp vốn 800 tỉ vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) bước sang ngày làm việc thứ 2 với phần xét hỏi các bị cáo nguyên là thành viên HĐTV PVN gồm: Vũ Khánh Trường; Nguyễn Xuân Thắng; Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức.

phien_toa_zing_osta.jpg
Toàn cảnh phiên tòa phúc thẩm. (ảnh: Zing)

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2008 do không được mở ngân hàng riêng của ngành Dầu khí, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) chuyển hướng đầu tư mua cổ phần của ngân hàng. Ông Đinh La Thăng sau đó gặp cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương (Oceanbank – OJB) Hà Văn Thắm và đi đến thỏa thuận PVN góp 800 tỷ đồng vào ngân hàng này.

Tuy nhiên, theo cơ quan tố tụng, việc ông Đinh La Thăng ký tham gia góp vốn vào Oceanbank đã không thông qua HĐQT PVN; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm
Đến thời điểm ngày 01/01/2011, Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên, Đinh La Thăng vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của PVN tại Oceanbank là 20% vượt quá tỷ lệ cho phép 15%,  tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank, để cho Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm,Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Tổ chức tín dụng 2010.

Hậu quả toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông Oceanbank trong đó có PVN.

Ký nghị quyết khi không nắm rõ Luật

Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Vũ Khánh Trường cho biết, tại lần góp vốn thứ 2 và thứ 3, ông có ký nghị quyết góp vốn sau khi các thành viên HĐQT đồng ý. Ông cho rằng, đã có sự đồng ý về mặt chủ trương thì những lần góp vốn tiếp theo chỉ là làm "theo quá trình" và đều theo ủy quyền của ông Thăng.

Theo bị cáo Trường, trong 3 lần góp vốn thì 2 lần đầu là đúng quy định, duy chỉ có lần thứ 3 là sai do thời điểm góp vốn này, ông không biết quy định mới của Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực do chưa kịp cập nhật. Sau này khi được cơ quan điều tra giải thích, ông mới biết và nhận thức được việc làm của mình.

Thừa nhận bản thân đã mắc sai phạm, bị cáo Trường trình bày, trong quá trình công tác bản thân có nhiều cống hiến, có nhiều huân huy chương, bản thân hay ốm đau, bệnh tật nên xin HĐXX xem xét giảm hình phạt.

Về trách nhiệm dân sự, cựu thành viên HĐTV PVN xin được miễn bồi thường cho PVN vì cho rằng, việc mất 800 tỉ nếu có thì không chỉ thành viên HĐTV chịu trách nhiệm mà còn do ban lãnh đạo của Oceanbank, người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank.

Đến đây, HĐXX ngắt lời và giải thích rằng, việc PVN mất vốn là do việc gửi tiền trái pháp luật. Việc quản lý yếu kém của Oceanbank đã được giải quyết trong một vụ án khác, do đó trong phạm vi vụ án này, các bị cáo cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Xin miễn trách nhiệm dân sự

Người thứ 2 trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng khai tham gia ký xác nhận đồng ý việc góp vốn lần 3 (100 tỉ đồng) trên cơ sở xem các tờ trình của Ban TGĐ PVN. Việc ký xác nhận được ông Đinh La Thăng khi đó đi công tác nên đã ủy quyền chỉ đạo công việc trong HĐTV.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng
Theo bị cáo, tại thời điểm ban hành nghị quyết, HĐTV có 7 người, trong đó có ông và ông Đinh La Thăng.

Trình bày về lý do kháng cáo, bị cáo Thắng xin được cải tạo ngoài xã hội và không phải chịu trách nhiệm bồi thường 15 tỷ đồng. Bị cáo Thắng khai, hành vi phạm tội của mình là do chưa cập nhật các văn bản pháp luật mới được ban hành. Hơn nữa, hành vi cố ý làm trái hiện không còn quy định trong luật. Ngoài ra, bản thân có nhiều cống hiến cho ngành Dầu khí, cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...

Bị cáo than, bản thân mắc nhiều bệnh nên muốn được cải tạo bên ngoài để có điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Về mức bồi thường dân sự của bản án sơ thẩm, bị cáo Thắng cho rằng, trong vụ án Oceanbank đã phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu lại buộc bị cáo phải chịu bồi thường thì không hợp lý.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Liêm nhận thức lỗi sai của mình là không cập nhật quy định của Luật đã có hiệu lực. Việc bị cáo ký tham gia góp vốn lần 3 không phải lợi ích nhóm. Bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, mờ nhạt nên mong HĐXX căn cứ vào tình tiết về nhân thân gia đình xin được giảm nhẹ tội và giảm trách nhiệm dân sự.

Trình bày tại tòa sáng nay, bị cáo Phan Đình Đức giữ nguyên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng bị cáo không phạm tội cố ý làm trái, không gây ra hậu quả nên không phải chịu trách nhiệm dân sự. 

Đầu giờ chiều nay, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm vụ PVN góp vốn 800 tỉ vào Oceanbank do xuất hiện tình tiết mới. Sáng mai, phiên tòa tiếp tục/.