Theo lịch xét xử, ngày 20/6, TAND TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án "yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là ông N.T.P (35 tuổi, ngụ xã Bình Mỹ, H.Củ Chi) đối với 2 bị đơn là Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ và bà N.T.K.L, tổ trưởng tổ 9, ấp 4A, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi (TP.HCM). Tuy nhiên, phiên tòa phải tạm hoãn do 2 bị đơn cùng vắng mặt. Dù tòa đã triệu tập hợp lệ, nhưng để đảm bảo quyền lợi các bên, HĐXX sẽ mở lại phiên tòa vào chiều 28.6.
Theo hồ sơ vụ việc, ông N.T.P công tác tại đội CSGT Bến Thành, thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08, Công an TP.HCM). Năm 2017, thực hiện chủ trương của Ban giám đốc Công an TP.HCM về việc lấy ý kiến góp ý và nhận xét của địa phương nơi cư trú đối với cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an, ông P. đã nộp phiếu góp ý kiến cho địa phương, nơi ông đang cư trú để nhận xét.
aaa_nivi.jpg
(Ảnh minh họa: Thanh niên)
Tháng 10/2017, khi nhận lại phiếu, ông P. bất ngờ thấy phần đánh giá ghi "ông P. quan hệ với quần chúng chưa tốt, lãng phí, bản thân ông P. không tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, có thái độ hách dịch, ỷ quyền, xem thường mọi người xung quanh...".
Cho rằng những nội dung đánh giá trên của Tổ trưởng và Chủ tịch UBND xã không đúng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và gia đình; ngoài ra, từ bản nhận xét trên, ông bị hạ bậc thi đua năm 2017 nên ông P. đã nộp đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu bị đơn xin lỗi, bồi thường tổn thất tinh thần cho ông bằng 10 tháng lương cơ bản, tương đương 13 triệu đồng.
Anh làm, em chịu ?
Quá trình giải quyết sơ thẩm vụ án, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ trình bày, việc nhận xét của chủ tịch xã dựa vào ý kiến đóng góp của bà con nơi ông P. và gia đình ông này đang cư trú, không phải ý kiến chủ quan của bản thân chủ tịch xã. Trong khi đó, bà N.T.K.L cũng trình bày, với trách nhiệm là tổ trưởng, sau khi nhận được yêu cầu góp ý vào phiếu góp ý, bà đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của nhân dân trong tổ. Bản thân bà và người dân trong tổ nhận thấy ông P. và gia đình không tham gia các cuộc họp tại địa phương, trong quan hệ quần chúng thì không tốt; khi có đám giỗ, gia đình ông P. mở nhạc ồn ào khiến việc học tập của trường học gần đó bị ảnh hưởng; anh ruột ông P. đã xây nhà không phép, không tự nguyện tháo dỡ mà phải cưỡng chế. Từ đó, bà L. cho rằng việc bà nhận xét vào phiếu là đúng, khách quan.
Tại tòa sơ thẩm, ông P. cho biết cán bộ địa phương trình bày chủ yếu những vi phạm của anh ruột ông, và vi phạm này không thể bắt ông phải chịu trách nhiệm, trong khi phiếu góp ý dành cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân có nội dung chủ yếu nhận xét về bản thân của cán bộ, chiến sĩ đó. Ngoài ra, trong năm 2017, gia đình ông có một lần đám giỗ và mở nhạc làm ồn chỉ 1 lần. Trong năm 2017, gia đình ông cũng chỉ được mời đi họp tổ dân phố có một lần và đã tham dự đầy đủ.
Nhận xét cá nhân hay nhận xét gia đình ?
Ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM), cho biết đối với việc đánh giá, nhận xét cán bộ ngành công an sinh hoạt tại địa phương, thì hằng năm sẽ có phiếu góp ý kiến của Công an TP.HCM gửi về để đại diện tổ khu phố trả lời theo mẫu do Công an TP.HCM ban hành. Việc trả lời nhận xét này sẽ do cá nhân tổ trưởng thực hiện dựa vào kết quả hoạt động trong năm của cán bộ tại địa phương. Sau khi tổ trưởng nhận xét, ký thì sẽ chuyển lên cho chính quyền địa phương xác nhận.
Theo một cán bộ phòng tổ chức Công an TP.HCM, phiếu góp ý kiến sẽ là nhận xét của địa phương về đạo đức lối sống, quan hệ với quần chúng nơi cư trú, thực hiện tiết kiệm trong sinh hoạt, cuộc sống, tiết kiệm, mê tín dị đoan của chính cá nhân cán bộ, chiến sĩ tại địa phương, không phải phiếu góp ý chung về tập thể, gia đình. Tương tự, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng việc đánh giá, nhận xét cán bộ tại địa phương tốt hay xấu phải dựa vào hành vi của chính cá nhân cán bộ đó. “Từ việc suy diễn cho rằng gia đình có hành vi vi phạm, dẫn đến nhận xét cán bộ không tốt thì đó là ý kiến chủ quan của người nhận xét. Việc nhận xét tốt hay xấu phải định lượng rõ ràng”, luật sư Nghiêm nói./.