Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã bước sang phần tuần xét xử thứ hai.
Khác với phiên tòa hồi giữa tháng 7/2016, khi kiểu trình bày vòng vo của ông ta được HĐXX cấp sơ thẩm tạo điều kiện thì với những câu hỏi của cơ quan tiến hành tố tụng cấp phúc thẩm, câu “xin cho bị cáo được trình bày bối cảnh lúc đó” không được chấp nhận. Kiểu trả lời không đi thẳng vào vấn đề của Phạm Công Danh bị phán xét vòng vo.
Phạm Công Danh tại tòa phúc thẩm |
Trong tuần xét xử thứ nhất đại án kinh tế tại VNCB, người duy nhất cho Phạm Công Danh được “vòng vo” trình bày hoàn cảnh lại chính là thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên trong phần xem xét liên quan đến việc ủy thác đầu tư cổ phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Quỹ Lộc Việt để rút 903 tỷ đồng của VNCB.
Đây là vị thẩm phán mà ngay từ phần làm thủ tục phiên tòa, Phạm Công Danh là 1 trong 4 người tham gia tố tụng đề nghị thay đổi.
Việc lặp lại kiểu trình bày hoàn cảnh của cựu chủ tịch ngân hàng nhằm đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi phạm tội của mình.
Trong phiên tòa sơ thẩm, quan điểm của Phạm Công Danh và luật sư bào chữa cho rằng cần xem xét bối cảnh và nguyên nhân phạm tội khi ông ta phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để tiếp quản Ngân hàng Đại Tín (sau này là VNCB) trong tình trạng tài chính xấu.
Nhóm cổ đông cũ của NH Đại Tín, đại diện là bà Hứa Thị Phấn không thực hiện chuyển giao tài sản kèm theo….
Tuy nhiên, nguyên nhân mà Phạm Công Danh cho là khách quan của hành vi phạm tội không được tòa cấp sơ thẩm chấp nhận.
Khi tiếp quản NH, Phạm Công Danh không đủ năng lực tài chính. Tổng số tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh thời điểm đó chỉ là 1.000 tỷ đồng.
Khi không có năng lực tài chính thì mọi suy đoán đều nằm ngoài tầm với của Phạm Công Danh, chưa nói đến thực tế sau khi tiếp quản NH Đại Tín bị cáo còn phải đối mặt với nhiều khoản vay lớn dẫn đến việc thực hiện hàng loạt những sai phạm tại VNCB để có tiền tái cơ cấu. “Bối cảnh và nguyên nhân do bị cáo tự tạo ra”, phiên tòa sơ thẩm nhận định.
"Bám" quan hệ với Dr.Thanh, phủ nhận vai trò chỉ đạo
Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, cứ mở đầu phần trả lời thẩm vấn của cơ quan tiến hành tố tụng, Phạm Công Danh luôn mở đầu bằng câu “sức khỏe kém”, “trí nhớ kém”.
Chính vì vậy trong các hành vi như rút 5.190 tỷ đồng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, tổng thiệt hại là 5.490 tỷ đồng, ông ta phủ nhận vai trò chỉ đạo. Lời khai của ông ta đối lập hẳn với thuộc cấp tại VNCB Hoàng Đình Quyết.
Hay như trong hành vi lập khống đề án nâng cấp hệ thống Corebanking rút ra hơn 63 tỷ đồng, hành vi ủy thác đầu tư cổ phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Quỹ Lộc Việt để rút của VNCB số tiền 903 tỷ đồng đều là do Phan Thành Mai – cựu TGĐ VNCB và các thuộc cấp.
Ông ta cho rằng mình không biết vì đã “giao toàn quyền cho anh Mai”, Phạm Công Danh trình bày.
Trong phiên tòa phúc thẩm, điều mà Phạm Công Danh luôn cho rằng, việc mình “mượn” tiền tại VNCB là để chăm sóc khách hàng.
Nhưng chính trong phần thẩm vấn liên quan hành vi lập khống hồ sơ đề án nâng cấp hệ thống Corebanking, HĐXX khẳng định rằng, cựu chủ tịch ngân hàng không chứng minh được việc chi tiền để trả lãi ngoài hợp đồng.
Về khoản tiền 5.490 tỷ đồng, Phạm Công Danh luôn nói đi nói lại rằng, đấy là quan hệ vay mượn giữa ông ta với ông Trần Quý Thanh không liên quan đến VNCB.
Với lời khai như vậy, cựu chủ tịch ngân hàng đang hướng số tiền 5.490 tỷ sang một phiên tòa dân sự giữa Phạm Công Danh và ông Trần Quý Thanh.
Theo hướng lời khai này, ông ta không có trách nhiệm, không gây thiệt hại cho VNCB 5.490 tỷ đồng. Số tiền này, ông ta cho rằng đấy là trách nhiệm của ông Trần Quý Thanh với VNCB.
Về mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và ông Dr. Thanh cũng như khoản tiền 5190 tỷ đang được cấp phúc thẩm làm rõ.
Việc phủ nhận vai trò chỉ đạo, Phạm Công Danh chỉ nhận một phần trách nhiệm với vai trò người đứng đầu vì người đưa ra ý tưởng, thực hiện các hành vi là Phan Thành Mai và thuộc cấp.
Với chiến thuật "nhớ quên" trong trả lời thẩm vấn tại tòa phúc thẩm, cũng như quan điểm tại tòa sơ thẩm về những khoản tiền hàng ngàn tỷ đề nghị thu hồi thì Phạm Công Danh đang cố cho rằng, mình không gây thiệt hại cho VNCB?./.
Theo nội dung vụ án, Ngân hàng VNCB được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu.
Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB và đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, thuộc cấp tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ khống, đề án khống để rút tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.
Từ sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB đã thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng.
Phạm Công Danh bị truy tố hai tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. TAND TP.HCM tuyên phạt Phạm Công Danh 30 năm tù giam.