Sáng 22/5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục bước sang ngày thứ 6 với phần xét hỏi.

Trong phiên sáng nay, Tòa công bố lời khai ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) và ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư – thiết bị, BVĐK Hòa Bình).

phien_toa_hoang_cong_luong_opnh.jpg
HĐXX vụ án chạy thận.

Trước đó, ông Trương Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) và ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư – thiết bị, BVĐK Hòa Bình) được Tòa triệu tập với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan quan.

Tuy nhiên, vì hai người này không có mặt nên Tòa quyết định công bố lời khai của hai người này. Vì bản lời khai rất dày nên Tòa chỉ công bố một số tài liệu liên quan đến hai người này trong vụ án.

Ông Trương Quý Dương khai gì tại cơ quan điều tra?

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình, ông Dương khai: Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực. Bác sỹ Hoàng Công Lương có nhiệm vụ điều trị người bệnh, phối hợp với khoa Cấp cứu tham gia cấp cứu tại bệnh viện trong tình huống xảy ra cấp cứu, thảm họa.

Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế có 11 cán bộ nhân viên, Trưởng phòng là ông Trần Văn Thắng. Phòng có nhiệm vụ dự trù kế hoạch mua sắm, thanh lý tài sản, cung ứng thiết bị, vật tư theo kế hoạch được phê duyệt, lên phương án lắp đặt máy, bảo quản máy, báo cáo tình hình sử dụng vật tư, đầu tư hệ thống thận nhân tạo.

Về hệ thống RO số 2, nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa, ông Dương khai: "Hệ thống RO sửa chữa để rửa quả lọc thận nhân tạo sử dụng lại, điều này quy định tại Quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành, hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận nhân tạo. Nước RO đạt tiêu chuẩn là nước lọc qua hệ thống RO chuyên dụng, có định lượng độc tố dưới 2,5 theo tiêu chuẩn AAMI 13959/2014 dành cho máy chạy thận nhân tạo".

Nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình không biết Thiên Sơn bán hợp đồng?

Ông Dương khai tại cơ quan điều tra, phòng vật tư có trách nhiệm thống nhất với nhà thầu về kế hoạch thực hiện, giám sát suốt quá trình thi công, sau đó, thông báo kế hoạch đến khoa hồi sức tích cực.

Các cán bộ được phân công trực tiếp giám sát nhà thầu, bảo đảm nước của hệ thống RO số 2 tách biệt lập với hệ thống RO số 1, giám sát quá trình lấy mẫu xét nghiệm, nếu đạt yêu cầu thì báo cáo lãnh đạo khoa và nhận bàn giao.

Công ty Thiên Sơn phải thực hiện việc bàn giao thiết bị đúng chủng loại trước khi thi công, chịu sự giám sát của nhân viên Bệnh viện, chỉ được hợp nhất nguồn nước khi có kết quả nghiệm thu và có sự đồng ý của lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực và lãnh đạo phòng Vật tư – thiết bị.

Theo lời khai ngày 22/12/2017, ông Trương Quý Dương khai: “Theo quy định chung, đối với sửa chữa nhỏ phải thuê ngoài thì phòng Vật tư – Thiết bị chịu trách nhiệm và chủ động tìm đối tác, lựa chọn nhà thầu, trình lãnh đạo phê duyệt. Phòng Vật tư – Thiết bị có nhiệm vụ tổ chức đấu thầu, mua sắm theo quy định”.

Về việc Công ty Thiên Sơn bán lại Hợp đồng số 315 đã ký kết với bệnh viện cho Công ty Trâm Anh, ông Dương khai: “Tôi hoàn toàn không biết việc công ty Thiên Sơn bán Hợp đồng 315 cho công ty Trâm Anh. Tôi không được biết việc ký kết giữa hai công ty".

Tại lời khai ngày 25/7/2017, ông Trương Quý Dương khai về việc phân công nhiệm vụ của khoa Hồi sức tích cực với bác sỹ Hoàng Công Lương: “Qua các lần kiểm tra hay họp Ban Giám đốc, ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc có báo cáo cho tôi biết anh Hoàng Công Tình quản lý đơn nguyên Hồi sức tích cực, anh Hoàng Công Lương phụ trách chuyên môn đơn nguyên Thận nhân tạo, chị Nguyễn Thu Hằng phụ trách điều dưỡng tại đơn nguyên Thận nhân tạo. Việc phân công cụ thể như thế nào do Trưởng khoa phân công cụ thể, tôi chỉ nắm bắt chung”.

Trưởng phòng vật tư khai gì?

Tại Cơ quan CSĐT ngày 1/6/2017, ông Trần Văn Thắng, Trưởng khoa Vật tư – Thiết bị khai: “Trần Văn Sơn công tác tại phòng Vật tư từ 2/8/2013, chịu trách nhiệm phụ trách mảng trang thiết bị y tế, bao gồm: quản lý hồ sơ trang thiết bị, kiểm định trang thiết bị trong viện theo quy định của nhà nước, tham mưu báo cáo cho Trưởng phòng các vấn đề trong phòng về trang thiết bị y tế, trực tiếp quản lý bảo dưỡng sửa chữa trang thiết bị y tế tại đơn nguyên thận nhân tạo, hồi sức tích cực và khoa mắt”.

Bác sỹ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận.

Khi được hỏi về việc Trần Văn Sơn có đủ năng lực thực hiện công việc hay không, ông Thắng khai tại cơ quan điều tra: “Sơn đã tốt nghiệp Cao đẳng Trang thiết bị y tế loại giỏi, có đủ điều kiện và trình độ để thực hiện nhiệm vụ”.

Đối với máy lọc nước RO số 2, Sơn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa. Lập hồ sơ theo dõi hoạt động thiết bị. Hằng ngày xuống khoa kiểm tra thiết bị có bình thường không, nếu không thì làm thủ tục đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng.

Việc vận hành hệ thống RO số 2 không thuộc trách nhiệm của Sơn mà thuộc về đơn nguyên lọc máu thuộc khoa điều trị tích cực.

Tại lời khai ngày 29/6/2017, ông Thắng khai: Việc bàn giao hệ thống RO số 2 trước, trong và sau sửa chữa do anh Sơn phối hợp cùng khoa và đơn vị sửa chữa thực hiện. Việc bàn giao giữa Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) và Sơn do Sơn thực hiện và không có báo cáo với tôi bằng văn bản.

Hoàng Công Lương phản đối lời khai

Sau khi công bố lời khai của ông Dương và ông Thắng, HĐXX hỏi các bị cáo có đồng ý với lời khai trên hay không, bị cáo Hoàng Công Lương nói: “Bị cáo không đồng ý lời khai của đồng chí Dương đã phân công nhiệm vụ cho bị cáo. Vì bị cáo là bác sỹ điều trị khoa Hồi sức tích cực, phải làm việc theo chỉ đạo của Trưởng khoa (ông Hoàng Đình Khiếu). Bị cáo chỉ là bác sỹ điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, không phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo”.

Sau đó, bị cáo Trần Văn Sơn cũng phản đối lời khai của ông Trần Văn Thắng khi cho rằng bản thân chưa được ai bàn giao hợp đồng./.