Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vừa ký lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương (SN 1986), là bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực- Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú ghi rõ bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ được phép cư trú tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) từ ngày 10/10 đến ngày 28/11/2018; giao bị can Hoàng Công Lương cho UBND xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) quản lý, theo dõi bị can.
Bác sĩ Hoàng Công Lương
Lệnh cấm của Cơ quan điều tra cũng nêu rõ nếu chưa được sự đồng ý của chính quyền nơi bị can cư trú hoặc đơn vị quân đội đang quản lý bị can và chưa có giấy phép của cơ quan điều tra đã ra lệnh này thì bị can không được đi khỏi nơi cư trú. Trường hợp bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự thì bị tạm giam.
Trước đó, vào ngày 5/7, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng ký lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương. Bị can chỉ được phép cư trú tại Xóm 9, xã Sủ Ngòi.
Bác sĩ Hoàng Công Lương là 1 trong 3 người đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017 khiến 9 bệnh nhân tử vong. Sau nhiều lần thay đổi tội danh, bác sĩ Hoàng Công Lương bị cơ quan điều tra truy tố về tội Vô ý làm chết người.
Kết luận điều tra cho rằng với các căn cứ có trong tài liệu, Hoàng Công Lương là bác sĩ đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo và chữa bệnh độc lập. Tại Công văn số 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018 của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình nêu rõ: "Việc Hoàng Công Lương ký chữ ký bên cạnh chữ ký của bác sĩ Huyền, Linh trong các bệnh án là để xác nhận việc khám và ra y lệnh của bác sĩ Huyền, Linh". Do đó, xác định Hoàng Công Lương là bác sĩ có trách nhiệm cao nhất trong việc ra y lệnh chạy thận trong ca lọc thận ngày 29/5/2017 tại Đơn nguyên lọc máu.
Với các tài liệu, hệ thống lọc nước RO số 2 vừa mới sửa chữa ngày 28/5/2017, chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI; Phòng Vật tư thiết bị y tế chưa nghiệm thu, chưa làm xong các thủ tục bàn giao cho Đơn nguyên lọc máu; nước RO không được người có chuyên môn là kỹ sư, kỹ thuật viên tiến hành kiểm tra chất lượng theo quy định; chưa được trưởng khoa (người có trách nhiệm nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng và đủ theo quy định) cho ý kiến chỉ đạo. Chỉ nghe điều dưỡng (những người không có trách nhiệm trong đảm bảo chất lượng nước) thông báo về việc phòng vật tư thiết bị y tế đã bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2; đồng hồ đo độ dẫn điện của nước báo chỉ số trong giới hạn cho phép thì bác sĩ Lương đã ra y lệnh và xác nhận y lệnh của các bác sĩ khác để tiến hành cho việc chạy thận đối với 18 bệnh nhân, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Qua đó, cơ quan điều tra xác định, về ý thức chủ quan, Hoàng Công Lương không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nêu trên. Mặc dù với trình độ được đào tạo, kiến thức của bản thân, vai trò là bác sĩ điều trị, cũng như sự an toàn của người bệnh thì Hoàng Công Lương phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó./.
Bác sĩ Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh có gì khác trước?
Bị đổi tội danh lần thứ 3, bác sĩ Hoàng Công Lương nói gì?