Dân tình mấy ngày này thêm một lần nữa xì xào, doanh nghiệp Vinaconex làm đường ống sông Đà vỡ đến 9 lần, gây khốn khổ cho gần 1 triệu người dân ở Hà Nội lại được giao trọng trách làm đường ống lần thứ 2. Trạng thái cảm xúc của nhiều người từ bức xúc, đến ngạc nhiên, rồi phẫn nộ và thất vọng. Chuyện gì đang xảy ra nhỉ? Người ta hỏi nhau không thể hiểu nổi vì sao cả thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng cùng “quên” câu chuyện trách nhiệm vỡ ống của Vinaconex nhanh như thế? Để rồi nhanh chóng lại giao tiếp một công việc tương tự có vốn đầu tư cỡ nghìn tỷ đồng?

Ngay sau sự cố vỡ ống nước sông Đà lần thứ 9, một Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội đã mạnh miệng: “Thành phố đã hết kiên nhẫn và không thể để Vinaconex tiếp tục đùa với cuộc sống của người dân. Hà Nội sẽ tự mình xây dựng đường ống khác trong vòng 2 tháng để đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho 1 triệu dân ở mấy quận của thành phố”. Dân chúng được một phen mát lòng, mát dạ về sự cương quyết, nghiêm túc của thành phố sau khi nhận ra “bản chất” và “chất lượng” đường ống thứ nhất trị giá tới 1.500 tỷ đồng do Vinaconex xây dựng cũng như trách nhiệm quản lý yếu kém của đơn vị này thì ngoắt một cái lại thấy chính doanh nghiệp ấy lại được chính thành phố chỉ định cho làm tiếp đường ống dẫn nước thứ 2, cũng ngót nghét cả 1.000 tỷ đồng.

song_da_kzlj.jpg 

Đường ống nước bị vỡ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân (ảnh:vnexpress)

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã thống nhất với đề nghị của Bộ Xây dựng, chấp thuận cho Tổng Công ty Vinaconex đầu tư xây dựng tuyến đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn 2, từ quốc lộ 21 về đường vành đai 3 Hà Nội. Vinaconex phải khởi công tuyến đường ống dẫn giai đoạn 2 trước tháng 9/2014 và hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết, bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân trong mùa hè năm 2015.

Hà Nội vừa mất niềm tin, vừa hết kiên nhẫn với Vinaconex được có vài ngày, nay lại tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” chính đơn vị này. Thật khó hiểu! Thông thường, chẳng ai dại gì tiếp tục đi thuê lại những kẻ đã làm hỏng công trình nhà mình một lần.

Đến đây, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Vì sao Bộ Xây dựng vội vàng đề xuất với UBND TP Hà Nội cho Vinaconex tiếp tục xây tuyến ống thứ 2? Trong khi chỉ cách đó ít ngày, Bộ Xây dựng chỉ rõ nguyên nhân nào chất lượng ống, chất lượng thi công kém, và chỉ đích danh Vinaconex là đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về  chất lượng công trình. Chính ông Tổng giám đốc Vinaconex cũng đã xin lỗi trước cơ quan báo chí và còn thừa nhận công ty đã thiếu kinh nghiệm trong xây dựng đường ống cơ mà?

Vì sao Hà Nội rùm beng về chuyện “hết kiên nhẫn với Vinaconex” rồi cuối cùng lại như pháo xịt ngòi, lại nhẫn nại trao quyền cho Vinaconex. Rồi thì, không hiểu vì sao đơn vị này lại được chỉ định tiếp tục xây dựng đường ống dẫn nước Sông Đà giai đoạn 2, lại một công trình nghìn tỷ nữa khi nguyên nhân và trách nhiệm chưa được làm rõ? Vì sao thành phố Hà Nội không mở thầu để những đơn vị có năng lực hơn tham gia? Phải chăng chẳng có đơn vị nào trong nước đủ năng lực triển khai làm đường ống nước mới này? Tại sao phải chỉ định thầu mà là chỉ định chính Vinaconex? Ai chịu trách nhiệm nếu Vinaconex đường ống lại vỡ?…

Nếu cứ theo suy nghĩ theo kiểu “chuyện đã an bài”, tức là để Vinaconex làm chủ đầu tư đường ống dẫn nước mới theo chỉ định của thành phố Hà Nội thì người ta không khỏi giật mình, khi nhìn vào chất lượng của đường ống thứ nhất. Ai dám đảm bảo đường ống thứ 2 sẽ không vỡ khi việc thi công đường ống này vẫn là những con người ấy, vật liệu và địa tầng ấy…

Đường ống nước sông Đà vỡ 9 lần, ông Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã khẳng định một triệu dân không thể phụ thuộc đường ống nước của một công ty, một tuyến đường ống luôn xảy ra sự cố vỡ như vậy. Chúng ta không thể đem người dân ra làm trò đùa được. Tiếp tục là người được chọn xây dựng đường ống nước thứ 2, chẳng ai biết chắc Vinaconex có “đùa” với dân vài lần nữa hay không?.

Người Hà Nội có câu đùa nổi tiếng "Hà Nội không vội được đâu". Trong trường hợp này, thì Hà Nội lại có vẻ vội vàng đến mức ngạc nhiên?./.