Chưa có năm nào mà công việc của ngành giáo dục lại được xã hội quan tâm nhiều như năm nay. Sự quan tâm ấy càng thể hiện rõ khi không chỉ các chuyên gia, nhà quản lý mà đến cả học sinh cũng có em gửi thư cho Bộ trưởng trình bày suy nghĩ của mình. Điều đó cho thấy, đổi mới giáo dục là công việc hệ trọng, liên quan đến mọi nhà, mọi người trong xã hội. Tuy nhiên, điều ai cũng mong muốn là cho dù đổi mới cách nào, thì vẫn phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi của người học – đối tượng chính của ngành giáo dục.

Năm học mới 2014 – 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi ngành giáo dục xác định là năm học đầu tiên hiện thực hóa Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”. Vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, ngành Giáo dục đã đưa ra một số đề án để tham khảo ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội về chủ trương Đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó có xây dựng chương trình sách giáo khoa mới; Đổi mới công tác thi cử và kiểm tra đánh giá học sinh, sinh viên.

nam_hoc_moi_drrr.jpg
Học sinh và thầy cô vui mừng chào đón Năm học mới

Nghị quyết 29 đã đề ra một quyết tâm mang tính chiến lược cho công cuộc đổi mới giáo dục khi xác định “chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất từng cá nhân học sinh”. Nếu như trước đây, việc truyền thụ kiến thức, tri thức được coi là nhiệm vụ số một của nhà trường thì nay, công việc này chỉ là khâu trung gian, là công cụ giúp học sinh từng bước phát triển, bộc lộ, nâng cao năng lực trong quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện kỹ năng, phẩm chất con người mới. Chiến lược truyền thụ thay đổi, tất yếu phương tiện truyền thụ cũng phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu trình độ, tâm lý tiếp nhận của học sinh, sự phát triển của khoa học công nghệ…

Thực hiện đổi mới giáo dục – đào tạo là để tinh thần dân chủ trong giáo dục được phát huy, người học có quyền lựa chọn môi trường giáo dục, phương pháp học tập tốt nhất cho mình mà không quá phụ thuộc vào những ràng buộc vô hình do tình trạng độc quyền, dẫn đến tồn tại một bộ sách giáo khoa nặng tính hàn lâm, khó hiểu, khó tự học và khó vận dụng vào đời sống thực tế. Học sinh phải từ bỏ niềm hứng thú được khám phá kho tàng tri thức của nhân loại, phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ đại học, thỏa mãn những quy định cứng nhắc về các khối thi của kỳ thi “3 chung” tồn tại hàng chục năm nay. Vì thế việc xây dựng chương trình, biên soạn, cung ứng sách giáo khoa, thiết bị dạy học trong thời gian tới, tất yếu sẽ không còn là chuyện độc quyền của Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Có học thì phải có thi cử. Nhưng một khi thi cử thuộc mang lại ý nghĩa tích cực như nó vốn có, không còn phù hợp với thực tiễn đất nước cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế thì phải cải tiến cho phù hợp. Phương án đổi mới thi cử, bao gồm cả đổi mới kiểm tra đánh giá trong quá trình học, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học đã được Bộ Giáo dục -Đào tạo nghiên cứu, công bố lấy ý kiến các chuyên gia và toàn xã hội, theo hướng “phần khó khăn sẽ chỉ thuộc về ngành giáo dục và các nhà quản lý, nhằm tạo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh” – như lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định khi trả lời báo chí mới đây. Chứ không phải là chuyện dễ dãi đem học sinh ra làm thí nghiệm như một số chuyên gia giáo dục đã cảnh báo.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo là để có một nền giáo dục không lạc hậu, không gây cản trở cho sự phát triển. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là là làm đột ngột, gây khó khăn cho học sinh, gây căng thẳng cho xã hội, mà phải được thay đổi căn bản, từng bước, có lộ trình và luôn đảm bảo quyền lợi của người học.

Dẫu còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng nếu ai đã thấy sự hào hứng của học sinh và giáo viên khi đón nhận những thay đổi bước đầu ở kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, đều có quyền hy vọng vào quyết tâm của ngành Giáo dục – đào tạo trong việc đảm đương sứ mệnh đào tạo ra những con người có năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước./.