Sáng nay (5/9), 5 tỉnh trong khu vực Tây Bắc gồm: Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu trời đều nắng nhẹ, rất thuận lợi cho học sinh đến trường dự lễ khai giảng. Ngay từ sớm, các em đã có mặt đông đủ tại trường, với tâm trạng vui tươi, phấn khởi đón chào năm học mới.
Năm học 2014 – 2015 này, ngành Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Tây Bắc tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể: đổi mới công tác quản lý giáo dục; tăng cường kỷ cương trường lớp gắn với tiếp tục triển khai quy chế dân chủ trong các trường học; tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch về quy mô trường, lớp theo hướng đảm bảo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo; tiếp tục công tác vận động và duy trì học sinh đến trường thường xuyên, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nhất là bậc trung học. Bên cạnh đó là huy động từ công tác xã hội hóa để sửa chữa phòng học, cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, hỗ trợ học sinh nghèo mua sách vở, đồ dùng học tập, xây dựng kho thóc khuyến học, đảm bảo cuộc sống cho học sinh vùng cao….
Ông Đặng Quang Khánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Báicho biết: Ngành giáo dục tỉnh Yên Bái tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục, trong đó có tập trung đổi mới phương pháp dạy và học. Tăng cường các giải pháp để giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi; tiếp tục quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp yêu cầu giáo dục và với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài ra cần tập trung các điều kiện để chuẩn bị công nhận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non vào cuối năm học 2014 – 2015.
** Năm học này, tỉnh Lai Châu có 446 trường, gần 13.000 học sinh ở các cấp học, tăng gần 8.000 học sinh so với năm học trước. Để đảm bảo cho công tác dạy và học trong năm học này, tỉnh Lai Châu đã chi gần 440 tỷ đồng để đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, mặc dù đã được đầu tư, song năm học này tỉnh vẫn còn gần 700 phòng học tạm và học nhờ, nhiều trường còn thiếu phòng công vụ, phòng ở cho học sinh bán trú, bếp ăn, nhà vệ sinh và đồ dùng phục vụ học sinh bán trú và một số trường mầm non, trường tiểu học ở cùng sâu, vùng xa còn thiếu đồ dùng học tập. Ngành sẽ chọn 38 trường ở vùng sâu, vùng xa để tập trung đầu tư nâng cao chất lượng.
** Cũng trong sáng nay, các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đồng loạt khai giảng năm học mới. Số lượng học sinh ở bậc Tiểu học và THCS tăng đáng kể so với năm học trước.
Năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tiếp tục tập trung đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách về chất lượng dạy học giữa các trường vùng ven, vùng khó khăn với trường nội thành; Đồng thời, chú trọng việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.
Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, năm học này, thành phố cũng sẽ đưa “giáo dục biển đảo” vào chương trình giảng dạy ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở.
“Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng nhân dân, chúng tôi đang phối hợp với các ngành biên soạn bộ tài liệu về giáo dục địa phương, giáo dục biển đảo. Chúng tôi sẽ lồng ghép những vấn đề giáo dục biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng với giáo dục địa phương trong các tiết nội khóa cũng như ngoại khóa”, ông Lê Trung Chinh cho biết thêm.
** Tỉnh Đắk Nôngnăm nay tăng thêm 6 trường học, nâng tổng số trường học lên 362 trường, đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 150.000 học sinh. Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng thêm 201 phòng học mới, trong đó phần lớn ưu tiên cho bậc mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tỉnh cũng đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để xây dựng gần 100 công trình vệ sinh, nước sạch và các trang thiết bị khác cho trường học.
Năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông tập trung tăng cường công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học, đặc biệt là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tăng tỷ lệ học sinh các cấp tốt nghiệp loại khá, giỏi.
** Trong năm học mới này, toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 283.000 học sinh ở 3 cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, tăng khoảng 7.000 em so với năm học trước. Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp 30 tỷ đồng cho ngành Giáo dục, 60% trong đó dùng để sửa chữa trường lớp.
Tuy nhiên, năm nay do lũ đến sớm nên không giống như các trường học ở khu vực thuận lợi, nhiều trường học ở vùng đầu nguồn lũ, vùng biên giới như Hồng Ngự, Tân Hồng, nhiều trường học đã có sự phối hợp với các ban ngành đoàn thể để chủ động trong mọi tình huống, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng thầy và trò trong vùng lũ.
Tại trường Tiểu học Dinh Bà, huyện Tân Hồng trong ngày khai giảng hôm nay, nhà trường đã phối hợp với lực lượng Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà để đưa học sinh đến trường bằng các phương tiện thủy, tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh yên tâm sản xuất mùa lũ.
** Ở huyện đảo Kiên Hải, tỉnhKiên Giang tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng thầy và trò các trường trên đảo vẫn vượt qua những khó khăn. Trong sáng nay, trên 3.000 học sinh của các điểm trường trên địa bàn đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2014 - 2015.
Toàn huyện có 10 trường học với 14 điểm trường, trong đó có 2 trường Trung học phổ thông. Trong những năm qua, Ngành Giáo dục huyện Kiên Hải luôn được sự quan tâm đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất trường, lớp, trình độ giáo viên các cấp đều được nâng cao, với 100% giáo viên đạt chuẩn. Với chủ đề “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, trong năm học 2014 - 2015 huyện Kiên Hải phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục với tỷ lệ huy động trẻ từ 6 -14 tuổi đến trường đạt từ 98% trở lên, trẻ vào lớp 1 đạt 100%, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đổi mới công tác quản lý trong các trường học…
Cô giáo Phạm Thị Cẩm Tiên - Trường THPTCS An Hòa xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải chia sẻ: “Mỗi giáo viên đều nhận thức rất sâu sắc phải cố gắng nhiều hơn nữa, khắc phục những khó khăn của bản thân, gia đình và nhà trường; không ngừng trau dồi học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ”.
Dịp này, các nhà tài trợ trong và ngoài huyện đã hỗ trợ nhiều suất học bổng cùng nhiều dụng cụ học tập tặng cho các em học sinh vượt khó học tập ở các trường phổ thông trên đảo nhằm động viên, khuyến khích các em học tập tốt trong năm học mới.
** Trong không khí của ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, sáng nay (5/9), hơn 300 điểm trường phổ thông của thành phố Cần Thơđồng loạt làm lễ khai giảng năm học 2014 – 2015. Dịp này, hàng ngàn phần thưởng cho học sinh giỏi, học sinh đậu thủ khoa vào trường và tốt nghiệp ra trường, học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được Hội khuyến học thành phố, các Hội cha mẹ học sinh tặng thưởng để khuyến khích các em tiếp tục học tốt.
Phát biểu tại lễ khai giảng tại trường THPT Nguyễn Việt Hồng, lãnh đạo thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: nhiệm vụ năm học này của cả hệ thống chính trị thành phố là tiếp tục phát huy trách nhiệm theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Vì vậy, toàn xã hội cùng chung tay để xây dựng mỗi điểm trường thật sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục, góp phần xây dựng con người Cần Thơ đạt các tiêu chí “Trí tuệ - Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch”.
** Tại tỉnh Sóc Trăng, năm nay có khoảng 590 trường học từ Mầm non đến Trung học phổ thông, với khoảng 230.000 em học sinh theo học.
Một trong những trường có quy mô và số lượng học sinh đông nhất tỉnh là trường THCS và THPT Lê Hồng Phong, thành phố Sóc Trăng. Khai giảng năm học mới, trường đón hơn 2.300 em học sinh tham gia; trong đó có hơn 700 em học sinh mới tuyển vào khối 6 và khối 10. Năm học này, nhà trường tổ chức 60 lớp học với 26 lớp cấp THPT và 34 lớp THCS.
Thầy Lê Phúc Ấm, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: năm học 2014-2015, trường đã rà soát, đầu tư, sửa chữa nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng như đảm bảo đội ngũ giáo viên đứng lớp để duy trì và phát huy hơn nữa những kết quả đã được khẳng định mà trường đạt được trong nhiều năm học vừa qua.
** TỉnhHậu Giangcũng đã tưng bừng tổ chức Lễ khai giảng đón hơn 157.000 học sinh các cấp bước vào năm học 2014-2015. Năm học này, ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện nhiều giải pháp góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới công tác quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên với trình độ chuyên môn vững, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo ông Lê Hoàng Tươi- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, để chuẩn bị cho năm học mới này, trong dịp hè vừa qua, tỉnh đã đầu tư xây mới, tu sửa nhiều phòng học và mua sắm thêm trang thiết bị bổ sung cho các trường. Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị xin chủ trương của UBND huyện, thị, thành phố hợp đồng giáo viên để đảm bảo tốt cho việc dạy và học, đặc biệt là tranh thủ từ nhiều nguồn để chăm lo cho học sinh nghèo được đến trường.
Ngoài ra, bằng sự chung tay của các nhà tài trợ, các “mạnh thường quân”, lãnh đạo các cấp, Sở GD&ĐT Hậu Giang đã huy động được gần 300.000 quyển tập, 2.000 bộ sách giáo khoa, khoảng 3.000 bộ đồng phục cho học sinh nghèo. Đặc biệt là trang bị thêm đồ dùng học tập cho các em như cặp da, áo phao, vở tập, huy động được 300 chiếc xe đạp và một số trang thiết bị khác để hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn ở xa trường.
** Bên cạnh việc nỗ lực vận động học sinh đến trường, năm học này, các trường trong toàn tỉnh Kiên Giangcũng đã triển khai chương trình giáo dục theo mô hình trường học mới. Theo kế hoạch, ngành Giáo dục Kiên Giang sẽ triển khai hơn 90% lớp 1 tham gia chương trình tiếng Việt lớp 1 – công nghệ giáo dục và nhân rộng mô hình VNEN ở 134 trường.
Đến thời điểm này, toàn bộ 145 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1. Đối với giáo dục trung học, Sở Giáo dục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên vể quản lý đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đồng thời tiếp tục thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng trong năm học này, ngành giáo dục Kiên Giang vẫn quyết tâm thực hiện đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục; phấn đấu giảm tỷ lệ học sinh yếu, kém và bỏ học; bồi dưỡng học sinh giỏi…Trong không khí tràn đầy niềm vui và phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới, mỗi học sinh, thầy cô đều quyết tâm phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao nhất./.