Hụt thu lớn và bội chi tăng so với kế hoạch dự kiến– mối lo ngại từ giữa năm, đã trở thành hiện thực, khi các chỉ số kinh tế 2013 được Chính phủ tính toán, cân-đong và báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII ngày 21/10. Đây cũng là một trong những hạn chế của công tác điều hành, được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm nay, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Trong bối cảnh khó khăn, yêu cầu siết chặt kỷ luật ngân sách càng trở nên cấp thiết.

Hụt thu là nỗi lo của các chính quyền địa phương, đặc biệt ở các nơi được coi là “đầu tàu” kinh tế, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2012 đến nay, nhiều công trình, dự án phục vụ dân sinh chưa thể triển khai, lác đác đã có tình trạng ở một số địa phương chậm trả lương cho công chức, do chưa cân đối được nguồn thu. Đây là điều rất đáng lo ngại.

thu-thue.jpg
Thu-chi ngân sách Nhà nước phải được thực hiện nghiêm túc (Ảnh: VTV)

Trên bình diện quốc gia, ngân sách Nhà nước là công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng, thu để chi cho tích lũy, như các khoản đầu tư phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng; chi tiêu dùng bao gồm các khoản chi bảo đảm an sinh xã hội như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, dự trữ tài chính, trả nợ nước ngoài…

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong thu-chi ngân sách Nhà nước, đã được thể hiện rõ trong Luật Ngân sách hiện hành, là gắn chặt các khoản thu để bố trí các khoản chi. Nguyên tắc này bị vi phạm, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước, dễ kéo theo lạm phát, gây bất ổn vĩ mô. Nguyên tắc quan trọng tiếp theo là đảm bảo yêu cầu tiết kiệm và hiệu quả các khoản bố trí chi tiêu ngân sách.

Xét trên thực tế, bội chi, tăng cao hơn dự kiến, chúng ta đã thấy được những nguyên tắc tối quan trọng trong thu chi ngân sách đang bị vi phạm. Thực tế năm nay, nguồn thu giảm mạnh, do các khoản thu chính từ thuế, phí, tài nguyên giảm, trong khi nhu cầu chi tiếp tục tăng. Hiệu quả đầu tư nhìn qua chỉ số ICOR, theo báo cáo của Chính phủ, tuy có cải thiện trong 3 năm trở lại đây, nhưng thực tế chỉ là “khá hơn” so với tính kém hiệu quả của giai đoạn trước, tức là để có được 1 đồng tăng trưởng, thì vốn bỏ ra ít hơn trước, chứ chưa phải đã đạt được con số tối ưu- là yêu cầu đặt ra đối với một nước có thu nhập trung bình như chúng ta hiện nay.

Còn sự lãng phí, khó có thể đo-đếm, nhưng qua các phiên thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, giám sát chuyên đề của các đoàn Đại biểu Quốc hội, báo cáo kiểm toán, Thanh tra Chính phủ đều cho thấy những con số, những dự án cụ thể, lãng phí từ chủ trương đầu tư, cho tới lãng phí trong cách thức thực hiện, như sự chồng chéo trong các chương trình mục tiêu… Đó là chưa kể tới nạn tham nhũng, lợi ích nhóm- làm chiếc bánh ngân sách bị xà xẻo.

Trước thực tế bội chi cao năm 2013, những giải pháp cân đối thu chi ngân sách, giảm bội chi đã được nêu rất rõ trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, như tập trung chống thất thu, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết. Dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Chúng ta có thể thấy quyết tâm của Nhà điều hành qua những kế hoạch, giải pháp khá chi tiết, cụ thể. Vấn đề quan trọng, là làm sao chuyển biến từ những quyết tâm, giải pháp này thành hành động cụ thể, ngấm tới từng lãnh đạo địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực.

Theo ngôn ngữ của các nhà nghiên cứu pháp luật, ngân sách Nhà nước được coi như một đạo luật “thường niên” hàng năm, bởi ngân sách được Quốc hội thông qua theo từng năm, theo Luật Ngân sách, tùy theo tình hình thực tế và yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển. Đã là luật thì yêu cầu kỷ luật ngân sách phải được thực hiện nghiêm.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định kinh nghiệm bước đầu qua 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2013, đó là “trong bối cảnh mới, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để có chủ trương, chính sách huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Do vậy, việc thực hiện thu-chi ngân sách Nhà nước, công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng nhất của một quốc gia, cũng cần phải được thực hiện trên tinh thần đó!./.