Theo thông tin từ đại diện chủ đầu tư dự án cầu Nhật Tân (Ban quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải- GTVT), lần đầu tiên, ngân sách phải chi hơn 155 tỷ đồng đền bù cho nhà thầu Nhật Bản tại dự án này do chậm bàn giao giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án chậm tiến độĐiều này khiến dư luận đặt câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm của các bên liên quan. Không chỉ dự án Cầu Nhật Tân (đoạn tuyến tránh Phú Thượng) bị chậm tiến độ, mà hàng loạt dự án trọng điểm khác ở Thủ đô Hà Nội liên tục bị nhà thầu khiếu nại, thậm chí có thể sẽ khởi kiện ra tòa vì vướng mặt bằng. Chậm giải phóng mặt bằng là câu chuyện không mới, nhưng đến mức phải bồi thường cho nhà thầu nước ngoài là việc chưa từng xảy ra và thu hút sự quan tâm của dự luận với câu hỏi về trách nhiệm đặt ra day dứt hơn bao giờ hết, như cách nói của GS Đặng Hùng Võ rằng: “người nộp thuế ít thì xót xa, người nộp nhiều thì phẫn nộ, tức giận”.

cau-nhat-tan1.jpg
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân đang chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng. Ảnh: HNO

Theo lý giải của đại diện Ban quản lý dự án 85, số tiền 155 tỷ đồng này là khoản tiền được “bổ sung chi phí” cho nhà thầu vì chậm giải phóng mặt bằng. Số tiền này sẽ được cộng thêm vào tổng chi phí ngân sách dành cho dự án cầu Nhật Tân.

Sự việc chưa từng xảy ra trong lịch sử chi ngân sách này bắt đầu từ tháng 4/2009. Lúc đó, nhà thầu Tokyu khởi công gói thầu số 3 - gói thầu đường dẫn cầu Nhật Tân thuộc địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau khởi công, công trường liên tục phải tạm dừng do vướng mặt bằng. Đến tháng 3/2012, công tác giải phóng mặt bằng mới hoàn tất, khiến hợp đồng thi công kéo dài thêm 27 tháng. Ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân, Ban quản lý dự án 85, Bộ GTVT cho biết: Tháng 10/2014 sẽ thông xe chính tuyến. Hiện nay, còn giải phóng mặt bằng chậm ở nút giao Phú Thượng và tuyến tránh chưa được bàn giao. Do thời gian thực hiện hợp đồng chậm trễ, kéo dài thời gian thực hiện nên phát sinh chi phí.

Trước đó, do chậm giải phóng mặt bằng chậm gây thiệt hại, nhà thầu gửi đơn kiện đến cơ quan trọng tài quốc tế và đòi mức bồi thường gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn xác định mức độ thiệt hại của Tokyu là 168 tỷ đồng. Cuối cùng, nhà thầu cam kết ngừng việc kiện tụng và thống nhất nhận khoản hỗ trợ 155 tỷ đồng. Tới nay, trên địa phận quận Tây Hồ, mặt bằng thuộc dự án này vẫn chưa giải phóng xong. Để tránh việc nhà thầu tiếp tục phạt tiền, Ban QLDA 85 thực hiện phương án, có mặt bằng đến đâu, mời nhà thầu vào đến đấy. Cùng với đó, phía Chủ đầu tư và TP. Hà Nội cũng đang xem xét các phương án để tháo gỡ vướng mắc và cải thiện tình trạng chậm trễ của dự án. Tuy vậy, câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan đối với số tiền 155 tỷ đồng được LS Nguyễn Minh Anh, Trưởng văn phòng luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư Hà Nội, phân tích: “Rõ ràng thiệt hại cho nhà thầu. Lúc đầu là 400 tỷ, mức hiện nay là 155 tỷ. Đây là số tiền rất lớn người dân phải gánh chịu. Ngoài ra còn hao tổn tới nguồn lực xã hội. Không thể nói không cơ quan nào chịu trách nhiệm. Khi thực hiện dự án, các bên phải xem xét. Giair phóng mặt bằng chậm không thể đổ lỗi cho cơ chế. Phải xem xét các bên và phải có trách nhiệm trước pháp luật do thiếu đôn đốc, thờ ơ, gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm. Theo quan điểm của tôi, pháp luật phải nghiêm minh và ở nước nào cũng vậy”.

Nguy cơ bị nhà thầu kiện, đòi tiền đền bùNgoài cầu Nhật Tân, hàng loạt chủ đầu tư, Ban QLDA đang lo lắng trước nguy cơ nhà thầu nước ngoài kiện, đòi tiền đền bù. Ông Đỗ Tất Bình, Trưởng Ban QLDA Nhà ga T2 Nội Bài (thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nói rằng, với tình hình giải phóng mặt bằng hiện nay, khả năng các nhà thầu Nhật tiếp tục kiện đòi đền bù là rất lớn.

Theo ông Lương Quốc Việt, Phó TGĐ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, hiện nay các nhà thầu nước ngoài liên tục gửi đơn khiếu nại về công tác giải phóng mặt bằng. Đại diện của Tổng công ty này đặt câu hỏi: “Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái vào cuộc giải phóng mặt bằng rất quyết liệt, hiệu quả. Sao cứ đến Hà Nội lại vướng?”.

Trả lời câu hỏi mới đây của PV Đài TNVN về sự chậm trễ của dự án trị thủy sông Hồng đoạn qua Hà Nội, (thuộc dự án WB6) của ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam, phần nào nói lên một thực trạng: Ở Hà Nội, giấy phép xin từ 20/4/2011, tính đến bây giờ là 2 năm 3 tháng vẫn chưa xong? Đây là dự án tốt, không chỉ cho đường thủy, mà cho cả thủy lợi, kinh tế xã hội. Hà Nội cẩn thận là đúng. Tuy nhiên, Cục đường thủy nội địa đã đáp ứng mọi thứ, nhưng vẫn chậm. Lý do chủ quan thuộc phía Hà Nội ở chỗ nào tôi cũng không dám phân tích và cũng chưa hiểu hết...".

Con số 155 tỷ đồng đền bù cho việc chậm trễ GPMB Dự án cầu Nhật Tân là việc không thể khác, nhưng liệu nó có tạo ra tiền lệ xấu cho các nhà thầu khác? Vì thế, trách nhiệm của các bên liên quan cần tiếp tục được làm rõ. Đặc biệt những câu hỏi như: “Vì sao đến Hà Nội lại vướng?” của một số chủ đầu tư đặt ra rất cần có câu trả lời thỏa đáng. Rồi đòi hỏi của người dân về tính công khai, minh bạch trong thực thi pháp luật về đền bù, GPMB của địa phương, để không thêm những con số như 155 tỷ đồng lần này./.