Câu chuyện “nhân bản” xét nghiệm ở bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội dường như đã có một cái kết có hậu. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can. Những người dám đứng lên đấu tranh với hành vi tiêu cực, mất nhân tính cũng đã được vinh danh, đã được khen thưởng theo đúng quy định của Nhà nước. Nhưng sau nó, nhiều vấn đề đã được đặt ra. Từ thái độ ứng xử của cơ quan quản lý Nhà nước đối với người chống tham nhũng, đến bất cập của chính sách khen thưởng và bảo vệ người chống tham nhũng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.
Trước tiên phải nói rằng, khi dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một số người ở bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, chị Hoàng Thị Nguyệt cùng 2 đồng nghiệp không nghĩ làm thế để được vinh danh, để được khen thưởng bằng vật chất. Lại càng không có chuyện, để trở thành người nổi tiếng, làm tâm điểm chú ý của dư luận. Những con người chân chính trong xã hội đều hiểu, các chị không màng danh lợi, mà trên hết là lương tâm, là mong muốn diệt trừ cái ác, cái xấu trong xã hội.
Bởi thế, thái độ ứng xử khó có thể nói là “có tình” của cơ quan quản lý sau những việc làm đáng khen ngợi của các chị mới làm dư luận quan tâm. Số tiền các chị được thưởng (mỗi người 320.000 đồng) là theo đúng quy định của Nhà nước, nhưng “ba đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Dù rằng nó chỉ mang tính tượng trưng và điều quan trọng đó không phải là mục đích của các chị, nhưng nó dễ dàng làm nhiều người hiểu, các chị không được sự ủng hộ của cơ quan quản lý. Bởi vậy, tưởng như việc khen thưởng sẽ là một trong những việc làm khuyến khích, động viên những người dám vì lẽ phải, thì trong trường hợp này nó lại có tác động ngược.
Từ giá trị tiền thưởng, từ cách trao tiền thưởng ấy cho thấy sự bất cập trong chính sách khen thưởng, cũng như chính sách, cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng hiện nay. Đây là một vấn đề không mới, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi xây dựng chính sách, nhưng tới nay cũng vẫn chỉ là “Dự thảo”.
Mặc dù mấy năm gần đây, nhiều người có thành tích trong đấu tranh chống tham nhũng đã được vinh danh, nhưng đến giờ đã có cơ quan nào thống kê bao nhiêu người đấu tranh chống tham nhũng bị trù dập, bị đe dọa? Bao nhiêu người bị buộc thôi việc vì không song hành cùng “nhóm lợi ích”? Bao nhiêu người bị dồn vào bước đường cùng, bị mất tất cả vì họ dám đấu tranh? Không những vậy, họ còn bị coi là những con người dị biệt và không được xã hội đối xử công bằng. Khi họ đứng lên bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, dù đã xác định sẽ vấp phải nhiều khó khăn, nhiều vật cản nhưng có lẽ họ không thể ngờ, sau những việc làm ấy nhiều người lại quay lưng với họ.
Trong bất kỳ trường hợp nào, người tố cáo hành vi tham nhũng luôn ở thế yếu cả về vị thế chính trị - xã hội lẫn tiềm lực kinh tế so với người có hành vi tham nhũng. Họ có thể bị đe dọa, bị trả thù bất cứ lúc nào từ những người có chức, có quyền. Vì thế, người tố cáo hành vi tham nhũng cần phải được bảo vệ, cần phải được vinh danh một cách đúng nghĩa. Khen thưởng đã là việc làm cần thiết, nhưng quan trọng hơn, cần thiết hơn là bảo vệ người được khen thưởng. Họ xứng đáng được như vậy, bởi họ là chất xúc tác thúc đẩy, khuyến khích nhiều người khác dám đứng lên chống tiêu cực, tham nhũng. Tiếc rằng đến nay, việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng mới chỉ mang tính nguyên tắc và quy định không cụ thể trong một số văn bản quy phạm pháp luật.
Một phần vì lẽ đó mà tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp và có dấu hiệu tràn lan ở nhiều lĩnh vực, địa phương và nhiều đối tượng khác nhau. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nhận định một cách sâu sắc. Và sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã có hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Đó là kết quả đấu tranh không ngưng nghỉ của những người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng. Thực tế ấy cho thấy, hành vi tham nhũng, tội phạm tham nhũng chỉ được hạn chế khi có những người dám đương đầu, dám dấn thân đấu tranh.
Các Nghị quyết của Đảng; việc thành lập Ban Nội chính Trung ương; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng có thể coi là “cẩm nang” trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm”. Nhưng, bên cạnh đó không thể thiếu những con người dũng cảm, sẵn sàng hy sinh quyền lợi, lợi ích cá nhân vì sự công bằng cho xã hội. Vì thế, phải coi “bảo vệ người tố cáo tham nhũng” là biện pháp không thể thiếu trong cuộc đấu tranh chống tội phạm tham nhũng. Có như vậy, cuộc đấu tranh phòng chống hành vi tham nhũng, tội phạm tham nhũng mới thực sự hiệu quả; mang lại niềm tin cho nhân dân, miềm tin cho những người xả thân vì lợi ích của cộng đồng./.