Trong nhiều năm qua, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã góp phần giúp Việt Nam ra khỏi nhóm nước nghèo, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Không thể phủ nhận những lợi ích mà các nước viện trợ, các đối tác phát triển đã dành cho Việt Nam qua những khoản ODA quý báu, nhưng bắt đầu từ thời điểm Việt Nam “tốt nghiệp” ODA vào tháng 7 năm ngoái, vốn ODA không còn là nguồn ưu đãi, mà sẽ là những khoản vay với lãi suất thương mại, thì việc tiếp tục vay và sử dụng nguồn vốn này ra sao là bài toán cần tính kỹ, để đem lại hiệu quả lớn nhất cho phát triển. 

oda_1_umqq.jpg
Việc tiếp tục vay và sử dụng nguồn vốn ODA là bài toán cần tính kỹ. Ảnh: KT
Từ khi ra khỏi diện nước nghèo, các điều kiện ưu đãi ODA không còn nữa, Việt Nam và các nước, tổ chức viện trợ trước đây đã trở thành các đối tác phát triển nhưng ưu đãi không chấm dứt đột ngột. Nhiều đối tác vẫn cam kết dành cho Việt Nam những khoản vay với lãi suất ưu đãi, cùng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, để tiếp tục hỗ trợ kinh tế Việt Nam.

Việc sử dụng những đồng vốn đó, hỗ trợ kỹ thuật đó ra sao thật hiệu quả, chính là cách chúng ta thể hiện sự trân trọng với các đối tác phát triển. Nhưng đến lúc thật sự “tốt nghiệp” ODA, các khoản vay đã không còn lãi suất ưu đãi, mà là lãi suất thương mại, dựa trên đàm phán, thỏa thuận, thì cần phải xem xét rất nhiều khía cạnh, đặc biệt là những điều kiện đi kèm, thường rất nhiều trong các dự án ODA.

Thông tin mức lương phải trả cho chuyên gia nước ngoài trong một dự án ODA lên tới 700 triệu đồng/người/tháng vừa được Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng về việc chuẩn bị thẩm định các dự án vay Nhật Bản tài khóa 2018 khiến dư luận khá “sốc”. Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về hiện trạng vay và sử dụng vốn ODA, cảnh báo Việt Nam có thể rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi” khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.

Mức lương chuyên gia cao, phí thu xếp vốn vay cao, điều kiện ràng buộc về xuất xứ hàng hóa và nhà thầu, hay quy định riêng lãi suất giữa các dự án đấu thầu của đối tác cho vay… đó là thực tế đang diễn ra. Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, trong những dự án như thế này, bản chất là chuyện đối tác cung cấp vốn đưa tiền từ “túi nọ” qua “túi kia” của họ, là “xuất khẩu” vốn với giá cao.

Trong trường hợp công trình hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt, thì việc vay vốn này xem như hiệu quả, chỉ là doanh nghiệp trong nước sẽ không có nhiều cơ hội tham gia. Còn tệ hơn, với những dự án vay vốn rẻ, kèm theo điều kiện ràng buộc về nhà thầu nước ngoài, như một số dự án đường sắt đô thị đang triển khai ở Hà Nội và TP. HCM, công trình chậm tiến độ, đội vốn, thì ODA, vốn rẻ này quả là cái “bẫy”. Đó là những yếu tố khách quan. Còn chủ quan, vẫn phải nhắc lại chuyện sử dụng vốn vay ODA, tuy đã có sự cải thiện, đã có sự chấn chỉnh qua cơ chế quản lý vốn ODA được siết chặt, nhưng vẫn còn những dự án đầu tư không hiệu quả.

Những công trình nước sạch, xử lý môi trường… xây đấy rồi bỏ không, để lãng phí, thậm chí là bị “đội giá”, giống câu chuyện nhà vệ sinh ở một trường tiểu học có kinh phí xây dựng cả tỷ đồng vẫn còn xảy ra ở địa phương. Việc chuẩn bị cho các dự án đầu tư hạ tầng đến bây giờ vẫn là khâu rất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ giải ngân ODA, hoài phí việc đàm phán vay vốn rẻ cho đầu tư phát triển.

Với nhu cầu tăng tốc kinh tế giai đoạn này, có thể thấy các nguồn vốn rẻ- trong đó có ODA vẫn là lựa chọn tốt cho phát triển. ODA sẽ là “bánh”, hay là “bẫy” của nền kinh tế trong trung hạn, phụ thuộc vào cách nhìn nhận trong đàm phán, ký kết hợp đồng vay vốn, cách sử dụng nguồn vốn này ra sao. Xin được dẫn kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Chính phủ cần có quan điểm chỉ đạo trong thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài cho phát triển giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, chỉ cung ứng vốn ODA cho chương trình, dự án cần thiết kế với quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả tối đa, tác động lan tỏa mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển và tích cực đàm phán để tranh thủ tối đa các điều kiện ưu đãi. Các dự án cần kết hợp hài hoà giữa huy động vay trong nước và vay nước ngoài. Trong đó, vay nước ngoài chỉ nên tài trợ cho nhu cầu đầu tư cần đến ngoại tệ như nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị./.