Nhằm làm rõ hơn các nguyên nhân gây chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA cũng như tìm các giải pháp tháo gỡ tình trạng này, chiều 18/8, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Giải ngân vốn đầu tư công, ODA: Minh bạch và hiệu quả".
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có những dấu hiệu tích cực , đạt gẩn 39%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay thì tốc độ giải ngân này còn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tọa đàm trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA. |
Những dự án lớn, sử dụng nhiều diện tích đất thì thực hiện giải phóng mặt bằng càng phức tạp và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như: công tác hoàn thiện các thủ tục và sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư với các cơ quan liên quan và nhà thầu trong việc hoàn thiện các hồ sơ giấy tờ; ảnh hưởng của thời tiết…
Để sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách đầu tư công, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết 70 của Chính phủ mới đây đã chỉ đạo đến tháng 9 sẽ tiến hành rà soát và thực hiện điều hòa, trong đó, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.
“Quá trình rà soát sẽ điều chuyển những dự án không giải ngân được, giải ngân chậm hoặc khả năng không hấp thụ được sẽ chuyển sang những dự án giải ngân tốt, có khả năng tiêu thụ được vốn trong năm 2017, để làm sao sử dụng hiệu quả toàn bộ phần ngân sách đầu tư công phục vụ cho tăng trưởng”, ông Phương chỉ rõ.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng qua, vốn ODA đã giải ngân được 41.700 tỷ đồng, đạt 42% so với kế hoạch. Số giải ngân này cũng mới chỉ đạt 95% so với cùng kỳ năm trước.
Để tăng cường giải ngân nguồn vốn ODA, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước hết, các Bộ, ngành phải chỉ đạo quyết liệt để thực hiện dự án bám sát tiến độ; đồng thời, hạn chế tối đa việc điều chỉnh.
Đối với những dự án phải kết thúc trong năm 2017, năm 2018 phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ. Ban chỉ đạo trực tiếp nguồn vốn ODA cần tiến hành đối với những dự án trọng điểm đang có vấn đề và cương quyết xử lý những vấn đề phát sinh thuộc trách nhiệm của mình.
Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Ban chỉ đạo cần tổ chức xem xét quyết định; trong đó, có những giải pháp nếu như không làm được thì sẽ tái thu nguồn vốn hoặc tái cơ cấu dự án và chuyển nguồn cho những dự án có khả năng giải ngân nhiều hơn./.
Vướng giải ngân làm chậm dự án giao thông trọng điểm