Câu chuyện tiêu thụ nông sản thời điểm này không chỉ là nỗi lo của người nông dân trên chính mảnh vườn thửa ruộng của mình mà còn là vấn đề nóng của ngành nông nghiệp, được bàn thảo trong nhiều cuộc họp và chất vấn căng thẳng trên nghị trường Quốc hội.
Và tại phiên chất vấn, chính người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng thừa nhận tiêu thụ nông sản là nỗi lo lớn nhất của mình. Nhưng vì sao mà gần 10 năm qua, cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”, ế ẩm trong tiêu thụ nông sản ấy vẫn không được giải quyết?
Nông dân Lục Ngạn, Bắc Giang lo bán vải thiều |
Thông tin thị trường, cơ sở để nông dân dựa vào đó định hướng sản xuất của mình cho phù hợp và có lãi thì hầu như không được cung cấp đầy đủ. Ngành nông nghiệp chủ yếu hướng dẫn bà con về mặt kỹ thuật, về ngành hàng, chứ chưa có định hướng theo tín hiệu của thị trường.
Có người cho rằng, việc cung vượt quá cầu, nông sản được mùa dội chợ là do lỗi của nông dân đã phá vỡ quy hoạch, ồ ạt sản xuất theo phong trào. Nhưng thử hỏi quy hoạch của các bộ ngành đã đúng, đã trúng chưa, đã linh hoạt hay chưa?
Theo các chuyên gia kinh tế, quy hoạch sản xuất nông nghiệp hiện nay không có nhiều ý nghĩa với nông dân khi chúng ta đang hoạt động theo cơ chế thị trường và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Bởi quy hoạch hiện chủ yếu theo lối hành chính, cứng nhắc khi định hướng vùng này trồng cây gì, nuôi con gì. Có địa phương thì ban lãnh đạo đề ra quy hoạch theo cảm tính, mỗi năm nhích thêm vài con số cho đẹp, để cho có, hoặc để báo cáo lên trên. Với cách làm quy hoạch như vậy thì làm sao định hướng sản xuất và tiêu thụ cho nông sản hiệu quả được!
Bà con nông dân ta rất cần cù, chịu khó, nhạy bén, sáng tạo. Nếu có các quan nhà nước định hướng, nếu được doanh nghiệp đặt hàng, thì với số lượng bao nhiêu, chất lượng khó thế nào, nông dân cũng đều đáp ứng được. Vì thế đổ lỗi cho dân trong vấn đề này là thêm một lần có tội với dân.
Ở đây, các cơ quan quản lý nhà nước phải thẳng thắn nhìn nhận vào những thiếu sót, yếu kém trong quản lý, điều hành sản xuất và tiêu thụ nông sản của mình. Và như Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng đã nhận định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, nguyên nhân chủ quan của việc tiêu thụ nông sản khó khăn là do yếu kém trong điều hành, quản lý. Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương là hai cơ quan chủ quản chưa có những giải pháp đúng và trúng để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản nhiều năm qua.
Phải thấy rõ vai trò và trách nhiệm của các bộ trong vấn đề này. Bộ làm chính sách, làm cơ chế; Bộ theo dõi chỉ đạo việc thực hiện chính sách vào cuộc sống. Bộ tổ chức sản xuất theo chuỗi. Bộ cung cấp thông tin thị trường cho nông dân. Bộ mới là cơ quan nắm chắc được thông tin thị trường trong nước, thế giới, rồi phân tích một cách khoa học và cẩn thận, hướng dẫn cụ thể cho từng vùng, từng loại hàng hóa nông sản. Thế nhưng, những việc này hầu như các Bộ chưa làm được hiệu quả.
Những năm qua, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã rất cố gắng, đề ra nhiều chương trình để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản như Liên kết 4 nhà, Cánh đồng mẫu lớn, hay Chương trình Thu mua tạm trữ lúa gạo... thế nhưng việc tổ chức thực hiện những chương trình này lại không được như mong đợi. Sau hơn 10 năm, mối liên kết 4 nhà vẫn rời rạc, lỏng lẻo; cánh đồng mẫu lớn khó nhân rộng, chương trình tạm trữ lúa gạo còn nhiều bất cập, tái cơ cấu còn nặng theo lối hành chính.
Vì thế, để gỡ khó cho nông sản, trước hết chính cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi cách điều hành, quản lý của mình, thay đổi tư duy hành chính, tầng tầng nấc nấc sang tư duy thị trường một cách linh hoạt. Và không chỉ phải thắt chặt mối liên kết 4 nhà, tạo một sự liên kết dọc trong chuỗi sản xuất mà liên kết ngang giữa các bộ ngành và địa phương cũng rất quan trọng. Các bộ và chính quyền địa phương cần phải phối hợp với nhau, phân vai và làm rõ trách nhiệm của đơn vị mình đến đâu, ở lĩnh vực nào còn tồn tại để tháo gỡ./.