Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội. Nhiều vấn đề kinh tế, xã hội được đưa ra thảo luận đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong các báo cáo trình Quốc hội ngay từ phiên khai mạc và những ngày tiếp theo, vấn đề đời sống của người dân vùng nông thôn được đề cập nhiều, trong đó có những trăn trở về “tam nông” cần được tập trung giải quyết.
Nước ta hiện có khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, phần lớn những người lao động xuất thân từ nông dân. Vùng nông thôn là bệ đỡ quan trọng cho gánh nặng của khủng hoảng kinh tế thế giới, là nơi người nông dân làm ra các loại nông sản hàng hóa đi khắp năm châu. Nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản luôn đứng đầu tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.
Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân là một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, trong đó chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; hỗ trợ người trồng lúa, chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ cây, con giống chất lượng cao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp… đã bước đầu đem lại kết quả, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước cải thiện đời sống nông dân.
Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã nêu khá nhiều con số ấn tượng. Chẳng hạn, đến nay, đã có 97% số xã phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, 87% số xã phê duyệt đề án, trên 9.000 mô hình được đưa vào sản xuất, bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí. Cả nước có khoảng 84% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những kết quả ấy chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu thực tiễn ở nông thôn hiện nay. Trong khi giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và các loại giống vật nuôi, cây trồng không ngừng tăng, thì điệp khúc “được mùa mất giá”, chăn nuôi, trồng trọt thua lỗ vẫn là nỗi lo đeo bám thường xuyên, khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Cũng chính vì vậy mà hàng ngàn hộ nông dân bỏ ruộng đi làm thuê, thậm chí làm thuê trên chính mảnh đất của mình vừa thế chấp, cầm cố...
Câu chuyện thời sự của nông dân trồng dưa hấu, hành tím đã phải cậy nhờ các đoàn thể, xã hội kêu gọi mọi người mua giúp do bị ép giá, bị ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, gây nên tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đang là nỗi ám ảnh với nông dân;
Chưa hết, các lễ hội văn hóa, các hủ tục phô trương trong ma chay, cưới xin ở nhiều vùng nông thôn đang có xu hướng thương mại hóa, biến tướng, phản cảm đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của các vùng miền... đang có xu hướng gia tăng mà chưa có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu... là vấn đề đáng báo động hiện nay.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có chủ trương, chính sách đúng, song nhiều chính sách thiết thực với người nông dân vẫn rất chậm triển khai mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do cơ chế, thủ tục rườm rà, thậm chí máy móc, xa lạ với nông thôn cùng với những hành động thiếu quyết liệt.
Chẳng hạn, với 14 triệu hộ nông dân cả nước trong đó gần một nửa có nhu cầu vay vốn, nhưng mới chỉ có 4% trong số đó được vay số tiền hỗ trợ nông nghiệp theo chính sách. Hoặc khi triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá đã không đáp ứng được yêu cầu chung, sau 8 tháng thực hiện, đến nay có 22/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt xong danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá, với gần 700 phương tiện là quá ít so với nhu cầu của người dân.
Do vướng mắc, chồng chéo trong cơ chế, do chậm chuyển biến nên đến nay, nền nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu thị trường. Những rào cản ấy cần được các vị đại biểu Quốc hội giám sát chuyên đề thật sự sát thực và hiệu quả về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Qua đó chỉ ra tận gốc, nêu cụ thể cái gì đang vướng; vướng ở khâu nào và cách thức giải quyết ra sao, ai phải chịu trách nhiệm đến cùng trong việc triển khai chính sách đến với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nông thôn là vùng rộng lớn ở nước ta, người dân vùng nông thôn vốn cần cù, chịu khó, nhưng cuộc sống vẫn chịu nhiều thua thiệt. Mong mỏi của họ là, đi liền với chính sách đúng đắn phải là những hành động quyết liệt mới hy vọng cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nông dân một cách bền vững./.