Cảnh hàng trăm ngàn tấn dưa hấu, thanh long mà nông dân Việt Nam một nắng hai sương làm ra bị ùn ứ, chật vật tìm đường sang Trung Quốc lại tái diễn. Chuyện chẳng có gì mới. Mới chăng, chỉ là sáng kiến huy động nhân viên xuống phố bán dưa giúp nông dân của một cơ quan thuộc Bộ Công Thương ngay giữa lòng Hà Nội. Việc làm ấy cho thấy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã bị ùn ứ… ngay trên bàn cơ quan làm chính sách.
Điều đáng nói là những nguyên nhân trực tiếp khiến việc xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc bị ách tắc đều đã cũ rích từ nhiều năm qua. Các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều cho rằng do khả năng tiếp nhận của kho bãi bên phía Trung Quốc hạn chế. Khu bãi Pò Chài chỉ giải phóng được khoảng 300 xe, trong khi lúc cao điểm, mỗi ngày có khoảng 700 - 800 xe. Tóm lại, nguyên nhân là do khách quan.
Đã từng có một thời quả dưa hấu mang lại nguồn thu hàng chục triệu đồng trên một hecta đất bạc màu sau 3 tháng chăm nom. Nhiều gia đình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã phất lên nhờ dưa. Thế là nhà nhà đổ xô đi trồng dưa, để rồi phải gánh chịu bao hệ lụy. Bởi chỉ sớm, muộn chừng nửa tháng, người giàu có, kẻ trắng tay với dưa là chuyện thường. Mùa thu hoạch rộ, dưa chất đống bên quốc lộ 1A chờ thương lái tới mua. Giá dưa tụt dốc, nhất là loại dưa hấu quả tròn, chất lượng thấp. Dưa hấu, thanh long lại là thứ hàng khó bảo quản, chỉ cần chậm mấy ngày không kịp xuất qua biên giới, chủ hàng phải bán đổ bán tháo để quay về. Người trồng dưa thất thu đã đành, cánh thương lái cũng lỗ “chỏng vó” với dưa.
Đâu chỉ dưa hấu, những loại trái cây đặc sản như vải, nhãn, xoài, thanh long… của Việt Nam cũng thường xuyên phải bán đổ bán tháo, một khi việc xuất khẩu sang Trung Quốc trục trặc. Cách hợp đồng bằng miệng, “đánh hàng” theo chuyến, buôn bán theo mùa, theo vụ xem ra không còn phù hợp.
Xuống phố bán 14 tấn dưa “Hỗ trợ cho nông dân miền Trung” là một việc làm tốt. Nhưng cái nông dân cần không chỉ có vậy! Hãy chung tay vì sự phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại, để nông dân Việt Nam không còn đơn độc trên đồng ruộng của mình, không còn cảnh “ăn chực nằm chờ” ở cửa khẩu bằng những chính sách mang tầm vĩ mô, từ qui hoạch vùng sản xuất, đến trang bị kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản để gia tăng giá trị nông sản; bằng các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu một cách bài bản hơn.
Ùn ứ nông sản xuất khẩu ở biên giới đã là một căn bệnh dai dẳng nhiều năm qua. Căn bệnh ấy chỉ có thể chữa khỏi bằng một phương thuốc đủ mạnh và sự tận tâm, tận lực của các Bộ ngành chức năng. Có như vậy nông sản Việt Nam mới tránh được cảnh “ăn chực nằm chờ”./.