Gần đây, trong quản lý kinh tế - xã hội xuất hiện ngày càng nhiều đề xuất, văn bản qui phạm xa rời thực tiễn, làm lãng phí tiền bạc công sức chung, gây khó khăn, xáo trộn cuộc sống và tâm tư của người dân. Nguyên nhân do những người đề xuất, ra quyết định không nhìn nhận đầy đủ, không đánh giá đúng mức về thực trạng của vấn đề cũng như những ảnh hưởng, hiệu ứng khi thi hành quyết định quản lý.

Lạ kì nhất là đề xuất mới đây của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM về việc đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm nhằm hướng dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư vào bất động sản. Chưa cần phân tích đã thấy lấp ló tính cục bộ - lợi ích nhóm ở trong đề xuất ấy.

Một ví dụ khác, cách đây vài năm, việc thu phí giao dịch qua thẻ ATM từng được đưa ra nhưng chỉ dừng lại ở đề xuất, còn bây giờ thì đã có văn bản pháp qui của Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện theo “lộ trình” phí tăng dần. Chưa đầy 1/3 số ngân hàng thương mại thực hiện thu phí, có nghĩa là số đông vẫn cảm thấy việc này còn hơi gượng ép. Mức phí cũng chưa đến độ làm xáo trộn cuộc sống của người làm công ăn lương, nhưng ít nhiều đang làm tâm tư họ dao động, đặc biệt là đối với những người về hưu từng hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh của dân tộc. Một ví dụ nữa về những quyết định một chiều đã thành văn bản, đó là sẽ xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm rởm.

quyet-dinh-1-chieu.jpg
Để xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm nhận được nhiều ý kiến khác nhau

Lý lẽ của người thực thi công vụ là người dân biết rõ mũ rởm kém chất lượng mà vẫn mua để đối phó, vì vậy phải xử phạt như là không đội mũ bảo hiểm. Đúng là rất ít người không biết mũ bảo hiểm thời trang là sự đối phó chứ không thể bảo vệ được cái đầu của mình khi xảy ra sự cố hay tai nạn, nhưng tại sao cơ quan quản lí để loại mũ ấy được sản xuất và bày bán tràn lan, rồi không quản được lại quay ra phạt người sử dụng?.

Có thể kể ra hàng loạt qui định, quyết định một chiều kiểu ấy, từ văn bản pháp qui đến những ý tưởng, đề xuất. Có những qui định trái luật phải bãi bỏ, ví dụ như việc Bộ Giáo dục Đào tạo cấm phát tán thông tin tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học sắp tới, hay là đề xuất của Bộ Công an về việc cắt hộ khẩu nếu đi nước ngoài quá 2 năm… Nhưng cũng có nhiều qui định không trái luật mà vẫn bất khả thi, bởi vì không nhìn nhận đầy đủ, đánh giá đúng mức về đối tượng mà nó hướng vào.

Ví dụ điển hình là việc hạn chế ùn tắc giao thông trong các thành phố lớn mỗi nơi làm một kiểu, hết dải phân cách cứng đến mềm, rồi chặn các ngã tư, thu phí chống ùn tắc,…nhưng hiệu quả chưa rõ mà tốn tiền thì thấy rõ và chỉ làm rắc rối thêm hiện trạng. Tương tự trong các lĩnh vực khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lí giá cả, chất lượng hàng hóa, tình trạng bệnh viện quá tải, dạy thêm học thêm,... đụng vào chỗ nào cũng thấy bất cập ở đó.

Những đề xuất, quyết định một chiều kiểu ấy thực chất là sự lãng phí, không loại trừ có cả thất thoát, tham nhũng, nếu không thì cũng chỉ làm lợi cho những nhóm lợi ích nhỏ, không đại diện cho xu thế phát triển chung. Giá trị lãng phí, thất thoát không khuôn lại trong từng cơ quan, đơn vị, từng địa phương hay lĩnh vực nữa, mà đã mang tính xã hội, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến từng người, từng gia đình, mà còn làm tổn phí thời gian, công sức của nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Vậy nên, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhìn thẳng vào vấn đề để có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu những nội dung đề xuất hay những quyết định một chiều chủ quan, nhất là ở khâu thực thi mà không thông hiểu và thiếu linh hoạt thì có thể làm sai lệch nhiều chủ trương đúng đắn cũng như chính sách tốt đẹp nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Chất lượng của văn bản quản lý, hiệu lực của quyết định quản lý thể hiện năng lực, trình độ và cả cái tâm của người ra quyết định. Yếu kém về năng lực trình độ thì có thể bổ sung. Thiếu trách nhiệm, tinh thần thái độ chưa nhiệt tình thì còn rèn giũa được. Nhưng nếu xuất phát từ lợi ích nhóm cục bộ để đưa ra những quyết định một chiều gây lãng phí, thất thoát, làm méo mó chủ trương chính sách thì thật là nguy hại, cần phải kiên quyết loại bỏ./.