Những vụ lúa gần đây, cảnh được mùa rớt giá, lúa khó tiêu thụ như một điệp khúc liên tiếp tái diễn khiến người trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Việc xây kho trữ lúa gạo, chờ giá lên được coi là một giải pháp để tháo gỡ tình trạng này. Mặc dù hiện nay, tích lượng kho trữ lúa gạo đã đạt khá lớn, khoảng 5,4 triệu tấn, thế nhưng lúa vẫn khó tiêu thụ mỗi khi thu hoạch rộ bởi doanh nghiệp hầu hết chỉ xây kho dự trữ gạo, còn nông dân thì bán lúa. Nghịch lý này cần phải được xóa bỏ.

Cảnh lúa rớt giá, khó tiêu thụ như một điệp khúc buồn nhiều năm nay khiến người nông dân càng thêm khốn khó. Từ năm 2010, để tháo gỡ tình cảnh này, Chính phủ  đã có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp xây 4 triệu tấn kho trữ lúa gạo, chờ giá lên mới đem xuất khẩu, tránh cảnh lúa sụt giá khi thu hoạch rộ. Các doanh nghiệp được ngân hàng ưu đãi lãi suất vốn vay, được các địa phương tạo điều kiện mặt bằng để xây kho.

lua-gao.jpg
Lúa chín đầy đồng, chất đầy bãi nhưng người nông dân đứng ngồi không yên (Ảnh: Dân trí)

Đến nay, sau 3 năm, dung lượng kho trữ lúa gạo đã vượt chỉ tiêu lên đến 5,4 triệu tấn. Thế nhưng, khi đề ra chủ trương xây kho trữ, những người làm chính sách lại không tính đến tỷ lệ giữa kho trữ gạo và trữ lúa nên lượng kho trữ gạo quá dư thừa, khoảng 4,4 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần kho trữ lúa.

Điều quan trọng là, mỗi vụ thu hoạch, bà con nông dân lại thường bán lúa tươi ngay tại ruộng bởi không có nơi cất trữ, phơi sấy và phải lấy tiền để trả nợ ngân hàng, vật tư đầu vào và đầu tư tiếp vụ sau. Doanh nghiệp trữ gạo, còn nông dân bán lúa, vậy ai trữ lúa cho nông dân?

Thực tế cho thấy, hạt lúa nhà nông làm ra để đến được các doanh nghiệp xuất khẩu là một chặng đường dài. Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, chỉ có vài phần trăm số hộ nông dân bán được lúa trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, còn lại hầu hết “vòng vo” qua 4-5 khâu trung gian.

Nếu xây kho chứa lúa, doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải tổ chức thu mua lúa. Đây là điều mà các doanh nghiệp rất ngại làm vì khó thực hiện, tốn kém, và khó kiểm soát được chất lượng. Vì thế, các doanh nghiệp cũng không tội gì phải tốn công, mua cái khó vào mình mà xây kho trữ lúa, nên hầu hết chỉ xây kho trữ gạo.

Cách làm đối phó, vị lợi trước mắt của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, không bài bản trong khâu tồn trữ và bảo quản sau thu hoạch cho nguồn hàng của mình. Và đáng buồn hơn khi điều này lại xảy ra ở một nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới như nước ta!

Để đạt hiệu quả cao trong dự trữ lúa gạo, tỷ lệ kho gạo và kho lúa phải ở mức cân bằng nhau. Sự mất cân đối quá lớn giữa kho chứa gạo với kho chứa lúa như hiện nay thật khó chấp nhận, đã đi lệch hoàn toàn với chủ trương của Chính phủ.

Vì thế, cần có những thay đổi căn bản và điều chỉnh lại chính sách, cần bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là phải có kho trữ lúa, trực tiếp thu mua lúa của nông dân. Nhà nước cũng cần có những khuyến khích, ưu đãi không chỉ với các doanh nghiệp mà cả những nông dân có đủ khả năng xây kho tự trữ lúa cho mình và bà con trong vùng.

Và một lần nữa, câu chuyện “cũ”: liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ tiếp tục là bài học “mới” để giải quyết vấn đề này, nhằm tạo ra được vùng nguyên liệu lúa gạo ổn định, chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Bởi nếu không, nông dân sản xuất, bán sản phẩm một đằng; doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu một nẻo thì không biết đến bao giờ hạt gạo mới hết long đong, nhà nông mới có thể giàu lên nhờ cây lúa./.