Lập hiến, lập pháp là một trong ba chức năng cơ bản, quan trọng của Quốc hội. Từ Khóa I năm 1946 đến nay, nước ta đã trải qua mười ba Khóa Quốc hội, trong đó công tác lập hiến, lập pháp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của lịch sử Quốc hội.
Theo thống kê, ở mười hai nhiệm kỳ trước đây, Quốc hội nước ta đã xây dựng được 4 bản Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp mới sửa đổi năm 2013; đồng thời có gần 300 bộ luật và luật được Quốc hội thông qua. Do đặc điểm lịch sử của thời kỳ phải chống giặc ngoại xâm nên Quốc hội từ Khóa I đến hết Khóa X chỉ xây dựng được hơn 130 bộ luật và luật. Riêng hai nhiệm kỳ Khóa XI và XII Quốc hội đã xây dựng được hơn 150 bộ luật và luật.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết tại một kỳ họp
Đặc biệt gần 30 năm qua, đường lối đổi mới, hội nhập của Đảng ta được đặt ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội an ninh quốc phòng đã thúc đẩy Quốc hội tăng cường công tác xây dựng pháp luật. Đó chính là nhu cầu khách quan phù hợp với quy luật phát triển của giai đoạn lịch sử hiện nay ở nước ta. Ngay tại Kỳ họp thứ bảy Quốc hội Khóa XIII đang diễn ra, có tới 10 dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua và 17 dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Tuy nhiên, có hai vấn đề đặt ra ở trong và sau quá trình xây dựng luật đó là: Thứ nhất, chất lượng của bộ luật và luật như thế nào? Trình tự hay quá trình để xây dựng một bộ luật cần được đổi mới một cách căn bản, vì thực trạng hiện nay luật liên quan đến Bộ, ngành nào lại do chính Bộ, ngành đó là chủ thể xây dựng. Như vậy không thể tránh khỏi tình trạng thiếu khách quan, “tư duy nhiệm kỳ”, làm lợi cho bộ mình, ngành mình. Đã có không ít bộ luật và luật mới xây dựng được một thời gian ngắn đã bất cập phải sửa đổi gây ra sự trì trệ cho bộ máy công quyền và tốn kém, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Quy trình xây dựng luật cần phải được thực hiện từ những cơ quan chuyên môn làm luật chuyên nghiệp và từ những đại biểu Quốc hội chuyên trách. Hơn nữa luật phải được xây dựng từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khách quan cuộc sống đặt ra và được triển khai một cách chủ động, khoa học với qui trình chặt chẽ. Như vậy “tuổi thọ” của luật mới cao và sát thực với xã hội được.
Thứ hai, vấn đề đưa luật vào cuộc sống. Quá trình xây dựng luật, rồi thẩm tra, thảo luận và được Quốc hội thông qua đã là một trình tự rất công phu, nhưng điều có ý nghĩa hơn là luật đó phải được hiện hữu sinh động trong cuộc sống; tránh tình trạng luật khung, luật ống ban hành rồi cứ nằm “chết” ở đấy; đồng thời cần khắc phục ngay tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư; rồi tình trạng luật ban hành ra nhưng phải có quá nhiều văn bản “con, cháu, chắt” của luật để hướng dẫn gây ra sự rối rắm, khiến cho các đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật không thể “tiêu hóa” nổi. Ngoài ra, tình trạng luật hoặc nghị định mới ra đời đã lạc hậu, “chết yểu” cũng không phải không có, do luật đó được xây dựng thiếu tính bao quát, thiếu tầm nhìn chiến lược và kiến thức thực tiễn.
Một đất nước càng phát triển càng cần đến sự hiện diện của pháp luật ở tất cả các hoạt động trong mọi lĩnh vực của xã hội. Bởi lẽ, luật là hệ thống các quy tắc xử sự, là công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, có tác dụng rộng lớn đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngay từ cuộc sống ở trong mỗi gia đình, đến việc đi ra ngoài đường, ở nơi công sở, công cộng, con người và các chủ thể xã hội đều phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa công việc với công việc... đều phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ những quy định, quy chế, chế tài, khế ước, hiệp ước. Đúng như một triết gia đã nói: người tuân thủ pháp luật nhất, là người tự do nhất.
Luật phải đi vào cuộc sống một cách thiết thực, gẫn gũi, sinh động. Đó chính là mệnh lệnh, là đòi hỏi cũng như mục tiêu, động lực để xây dựng một xã hội ngày càng dân chủ, văn minh./.