Trao đổi với VOV.VN về ý kiến cho rằng, cần nâng số lượng đại biểu chuyên trách, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Tăng đại biểu chuyên trách thì phải căn cứ vào điều kiện và khả năng của đất nước. Đối với nước ta với dân số 90 triệu dân, Đại biểu Quốc hội thống nhất tối đa không quá 500 đại biểu. Đại biểu phải đại diện cho cả các tầng lớp nhân dân và đại diện cho 54 dân tộc trên cả nước cho nên phải có cơ cấu cứng, cơ cấu mềm, để đại diện cho các thành phần dân tộc, đại diện cho các tầng lớp, ngành nghề. Chúng ta phải tính toán vì Việt Nam chưa phải là nước phát triển đến mức là tất cả Đại biểu Quốc hội phải là chuyên trách. Việc xác định tỷ lệ Đại biểu Quốc hội bao nhiêu cho hợp lý là việc phải tính toán.
Quốc hội đặt ra mức phấn đấu khoảng 40%, nhiều đại biểu muốn đưa lên 50% nhưng rõ ràng, trong điều kiện hiện nay chúng ta xác định là khoảng trên dưới 40% là cũng rất cần thiết, đến lúc nào đó con số này sẽ cao hơn. Rõ ràng tỷ lệ đó cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng chất lượng của đại biểu Quốc hội. Vấn đề chất lượng ĐBQH làm sao phải đáp ứng được yêu cầu là một đại biểu chuyên trách phải độc lập, phải làm được tất cả những việc như xây dựng luật pháp, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và phải có mối quan hệ mật thiết với cử tri để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Số lượng bao nhiêu, tỷ lệ bao nhiêu cũng rất cần thiết nhưng chất lượng của Đại biểu quốc hội còn quyết định cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ đó. Tôi nghĩ rằng, 40 hay 50% chỉ là con số để chúng ta căn cứ phấn đấu, đạt tỷ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách cao hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn nhưng vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải phấn đấu làm sao để chất lượng đại biểu Quốc hội phải tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Đó chính là mong muốn của chúng ta, của Đảng, Quốc hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng): Đại biểu “đóng” nhiều vai - vừa đá bóng, vừa thổi còi PV:Thưa ông, trước kiến nghị nâng số đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50% để đảm bảo tính chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội ông có đồng tình không và lý do tại sao ạ? Ông Trần Ngọc Vinh:Tôi đồng tình với kiến nghị này và cá nhân tôi cũng đề nghị tăng số đại biểu chuyên trách lên ít nhất cũng phải được 40-45%. Nếu được 50% thì quá tốt. Tuy nhiên nếu đã tăng đại biểu chuyên trách thì phải ở cả trung ương và địa phương. Thứ hai nữa là ở địa phương đoàn phải bố trí 2 chuyên trách và trưởng đoàn phải là đại biểu chuyên trách. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì vắng người này còn có người kia. Chứ hiện nay đang xảy ra tình trạng trưởng đoàn không chuyên trách, phó đoàn chuyên trách. Như vậy là người không chuyên trách lại phụ trách đại biểu chuyên trách, như thế là rất bất cập. Việc nâng số đại biểu chuyên trách lên là cần thiết vì họ sẽ dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào công việc. Nếu có nhiều đại biểu chuyên trách họ sẽ chăm lo cho công việc, kể cả trong các biểu quyết sẽ không vướng gì cả. Họ sẽ không bị chi phối, ràng buộc bởi bất cứ lý do gì, khi đó các ý kiến sẽ thẳng thắn, khách quan hơn. Còn hiện nay có một số vị ở các ngành khác khi nói hay phát biểu cái gì cũng thấy vướng vào ngành của mình nên rất khó nói và không tập trung vào công việc. PV: Phải chăng chính sự không chuyên trách đã khiến không ít đại biểu có mặt theo kiểu không thấy rõ trách nhiệm trách nhiệm của mình. Đi họp Quốc hội không phát biểu, không chất vấn và những chiếc ghế trống thường xuyên xuất hiện trong suốt kỳ họp không thưa ông? Ông Trần Ngọc Vinh: Đúng là như thế. Hiện nay số đại biểu bán chuyên trách còn rất nhiều, trong khi họ là những người còn phải giải quyết nhiều công việc nên không thể tham dự đầy đủ kỳ họp và cũng không tập trung vào hoạt động ở Quốc hội. Thêm nữa, phần lớn các đại biểu bán chuyên trách ở đây hiện đang giữ trọng trách lãnh đạo tỉnh hoặc thành phố, ngành trung ương nên thực sự thời gian dành cho hoạt động của Quốc hội không nhiều. Và những ghế trống đều rơi vào tình trạng này. Kể cả các phát biểu thì rất hạn chế. PV: Thực tế, không ít đại biểu đến tham dự kỳ họp kéo dài 1 tháng trời nhưng không ít vấn đề đụng đến thì được trả lời: “Vấn đề này tôi không nắm rõ, không có thông tin”. Vậy theo ông như thế đại biểu đã thể hiện hết vai trò và trách nhiệm với những vấn đề cử tri quan tâm hay chưa? Ông Trần Ngọc Vinh: Tất nhiên là các gửi gắm của cử tri sẽ hạn chế nhiều. Do vậy tôi muốn khẳng định rằng không có gì bằng hoạt động Quốc hội chuyên nghiệp. Chúng ta phải tiến dần lên hoạt động chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thể chế của chúng ta hiện vẫn còn vướng nên cần thay đổi mỗi nhiệm kỳ nâng dần số đại biểu chuyên trách lên. Ở các nước khi tham gia đại biểu quốc hội thì các cơ quan hành pháp không tham gia Quốc hội. Trong khi chúng ta số đại biểu này lại rất nhiều. Do đó khi biểu quyết về một vấn đề hành pháp thì tỉ lệ số đại biểu bên hành pháp nhiều như thế chắc chắn sẽ ủng hộ cho ngành của mình sẽ là không khách quan. Trong khi đó cơ quan lập pháp chỉ chuyên môn làm luật, do đó sẽ phải đúng, chuẩn nhưng có thể số ủng hộ lại không nhiều. Hiện chúng ta đang trong tình trạng có 3 nhánh cùng là đại biểu quốc hội đó là: lập pháp, hành pháp và tư pháp nên không tránh được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Chính vì vậy tôi cho rằng càng nâng số đại biểu chuyên trách lên càng tốt. PV: Trước thực tế đó ông bà có đồng tình với kiến nghị Dự án Luật Tổ chức Quốc hội phải đổi mới căn bản việc đề cử và tự ứng cử để tìm người hiền tài ra gánh vác việc nước. Đây là những đại biểu dám đứng lên bảo vệ và lên tiếng thay cho cử tri chứ không phải là đến QH cho đủ ghế. Ông nghĩ sao? Ông Trần Ngọc Vinh:Tôi nghĩ rằng cần tạo cơ chế để những người thấy có thể đứng ra gánh trọng trách tự ứng cử, đưa tiếng nói của cử tri lên được chứ không nên cơ cấu đại biểu. PV: Xin cảm ơn ông! |