Thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005.

Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn những hạn chế như: một số dự án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội không theo đúng tiến độ đã đề ra; số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều; tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã giảm nhưng vẫn còn; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn hạn chế. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không đúng thời gian theo quy định nên ảnh hưởng đến tiến độ chung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như Chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

do-thi-hoang.jpg
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh)

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh) bày tỏ, các đại biểu đa phần là không chuyên trách, nếu tài liệu dự án luật không gửi sớm cho đại biểu họ sẽ có không nhiều thời gian để tham khảo ý kiến của các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học… rất khó để họ có những tham gia quyết sách đối với dự án luật. Đại biểu không có năng lực để hiểu biết toàn diện về các lĩnh vực. Như vậy nếu không nghiên cứu kỹ, không có nhiều thời gian để tham vấn sẽ không có nhiều đóng góp xác đáng cho dự án luật. Đại biểu Đỗ Thị Hoàng cũng kiến nghị phải xem xét cách thức biểu quyết của đại biểu Quốc hội để khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua một dự án luật thực sự là quan điểm và trách nhiệm của mỗi đại biểu.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng việc triển khai các luật vào đời sống còn quá chậm và coi đây là “điểm yếu truyền thống”. Ông cho biết mới đây tham gia đóng góp ý kiến lần đầu vào một số luật, ông nhận thấy khuynh hướng luật chưa sát, chưa cụ thể, vẫn còn phải có sự hướng dẫn của chính phủ quá nhiều; phải thông qua một loạt thông tư, nghị định mới vào cuộc sống. Ông Cao Sỹ Kiêm kiến nghị cần có sự tổng kết sâu và nghiên cứu nghiên túc nếu không sẽ rơi vào tình trạng dự án luật đặt ra những mục tiêu rất lớn nhưng điều khoản không rõ, dẫn tới khả năng thực thi luật khó khăn.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên,  Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật này một kỳ họp Quốc hội để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa một số quy định mới của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi và chất lượng của các dự án.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội đã chậm so với yêu cầu trình Quốc hội xem xét cùng với các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, dự án Luật này còn liên quan đến nội dung của một số dự án luật khác.Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nên giữ tiến độ việc trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời, đề nghị Quốc hội bổ sung dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào kỳ họp thứ 8 để xem xét đồng thời với dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh,việc sớm xem xét Luật Chính quyền địa phương, Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nhằm hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp, đồng bộ với thời gian bầu cử HĐND các cấp; do vậy, không nên lùi thời hạn trình dự án Luật. Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cho rằng, để lùi thời hạn xem xét Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ cần nêu rõ lý do cụ thể; lý do không thuyết phục, không thể lùi thời hạn trình dự án Luật./.