Mấy tuần nay, người dân đang lúng túng, mất thời gian, thậm chí lo lắng thực hiện quy định của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/6 về việc xe máy và xe đạp điện phải đăng ký mới được lưu hành nếu không sẽ bị phạt như đối với mô tô, xe máy. Người dân đa phần sẵn sàng tuân thủ pháp luật và câu chuyện chắc cũng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như những quy định này khả thi và được tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến thông suốt. Thế nhưng vì nhiều lý do, nhất là cách làm, cách quản lý chưa hợp lý nên quy định này đang gây phiền toái, thậm chí có nguy cơ không thực hiện được như nhiều quy định thiếu thực tế thời gian gần đây.

Sự phát triển bùng nổ của xe đạp điện, xe máy điện, có lẽ lên đến cả triệu chiếc đã khiến cơ quan quản lý buộc phải quản lý là cần thiết. Nhưng chỉ có điều là cho đến thời điểm này, tức là gần 2 tuần thực thi quy định xe máy điện phải đăng ký, đóng phí bảo trì đường bộ như xe máy nhưng người dân vẫn “mơ hồ” vì thiếu thông tin. Nhiều người lúng túng vì cơ quan quản lý yêu cầu hoàn thiện hồ sơ với hàng loạt giấy tờ liên quan đến xe máy điện- cái xe mà cách đây vài năm khi nhu cầu tăng cao, hàng chục doanh nghiệp, hàng trăm cửa hàng trên các thành phố lớn đua nhau nhập khẩu, lắp ráp, bán rầm rộ trên thị trường. 

xe-dien_nnlh.jpg 

 Người dân vẫn mơ hồ về Quy định xe máy và xe đạp điện phải đăng ký mới được lưu hành 

Lúc đó, không cơ quan nào, không ai quy định phải có giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng xuất xưởng, hóa đơn bán hàng… Giờ đây, theo quy định, để được đóng thuế và đăng ký xe, người dân phải có đầy đủ hồ sơ như thế. Nhiều người “chạy ngược, chạy xuôi… đến các cửa hàng trước đây bán xe để xin giấy tờ”; và các cửa hàng cũng chẳng thể có các giấy tờ như thế!

Và cũng dễ hiểu khi mà hơn chục ngày trôi qua, gần như chẳng mấy ai trong số cả triệu người có xe máy điện mặn mà đi đăng ký. Quy định nóng hổi này có nguy cơ chỉ được thực thi trên giấy. Nó giống như một loạt quy định “trên trời” hiện hành. Ví như Thông tư 30 của Bộ Y tế từng yêu cầu: cơ sở dịch vụ ăn uống phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, người bán rong phải khám sức khỏe, phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mới được bán hàng. Hay quy định phạt tiền đối với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng, rồi xử phạt những ai sử dụng điện thoại ở cây xăng có hiệu lực cả năm trời nhưng rồi chẳng ai xử và chẳng ai bị phạt.

Ở cấp thấp hơn, UBND TP Hà Nội quy định từ năm 2010, xử phạt hành chính từ 100.000 – 300.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định, phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển… Quy định là vậy nhưng đi dọc các tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn nhiều quận, không khó để thấy những đống rác thải lớn, nhỏ. Bi hài hơn, rác không chỉ xuất hiện ở những nơi công cộng mà còn xuất hiện phổ biến ngay tại những nơi cắm biển… cấm đổ rác!

Những chính sách, quy định pháp luật ban hành nhưng không thực hiện được ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của những nhà làm luật, đồng thời khiến người dân có tâm lý nhờn luật. Mỗi năm, Quốc hội thông qua hàng chục đạo luật mới lẫn sửa đổi. Chính phủ cũng ban hành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chưa kể các Bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền ở địa phương cũng ban hành rất nhiều quy định khác. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra là các quy định này phải đúng, trúng và có tính khả thi, bám sát được cuộc sống, bám sát thực tế.

Năm 2014 là năm thứ 2 chúng ta có Ngày Pháp luật Việt Nam. Mục đích, ý nghĩa lớn nhất của Ngày Pháp luật Việt Nam là đề cao pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Và để làm điều đó, rõ ràng chất lượng làm luật phải được nâng cao, làm luật xin hãy đừng để dân khổ mà cần phải dễ hiểu, dễ thực hiện./.