Đây là khẳng định của Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) tại buổi trao đổi với báo chí ngày 28/5.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, thời gian qua, một số báo chí phản ánh từ ngày 1/6/2014 xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển số theo quy định tại Thông tư 15 của Bộ Công an. Tuy nhiên, thực tế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009) đã quy định xe máy điện là xe cơ giới và khi tham gia giao thông phải đăng ký, gắn biển số.
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Bộ Công an ban hành Thông tư 06/2009/TT-BCA ngày 11/3/2009, trong đó quy định việc đăng ký, cấp biển số xe máy điện từ ngày 1/7/2009.
Tiếp đó đến Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010; nay là Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 tiếp tục quy định về việc đăng ký, cấp biển số xe máy điện đã ban hành và thực hiện từ trước, không có gì mới.
“Như vậy, xe máy điện phải đăng ký, gắn biển số khi tham gia giao thông là thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và đã được thực hiện từ ngày 1/7/2009 đến nay, chứ không phải đến ngày 01/6/2014 Bộ Công an mới quy định phải đăng ký”, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Để thực hiện đăng ký xe máy điện, người dân phải đến công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi đăng ký xe máy điện, người dân phải mang theo Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu được phát tại nơi đăng ký xe hoặc in từ Website: csgt.vn); Chứng minh nhân dân với cá nhân; Chứng từ nguồn gốc của xe, gồm: Phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu); hóa đơn bán xe.
Cũng theo quy định tại Thông tư 15, với những xe máy điện lưu hành trước ngày 1/7/2009, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chuyển nhượng vẫn có thể đăng ký biển số. Với những trường hợp này, chủ xe cần có cam kết về nguồn gốc hợp pháp của chiếc xe và có chứng nhận của chính quyền địa phương thì xe đó được giải quyết, đăng ký và cấp biển số xe.
"Tuy nhiên, với những chiếc xe máy điện không rõ nguồn gốc, xe sử dụng sau ngày 1/7/2009, dù có nguồn gốc hợp pháp, nhưng chủ xe không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu sẽ không được đăng ký, cấp biển số. Như vậy, với những phương tiện này, nếu lưu hành có thể bị xử phạt theo Nghị định 171 với mức phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng. Với những phương tiện này, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt sẽ tập hợp những khó khăn, vướng mắc của người dân để kiến nghị Chính phủ tìm biện pháp tháo gỡ", ông Tuấn cho biết.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khuyến cáo, để được đăng ký xe theo quy định của Bộ Công an, khi mua xe người dân cần yêu cầu người bán xe cung cấp đầy đủ các loại chứng từ; gồm: Phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu); Hóa đơn bán xe./.