Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta có những biến chuyển thần kỳ. Từ một nước nhập khẩu lương thực, nước ta đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực trên thế giới. Thế nhưng, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã chậm lại, nông sản được mùa nhưng ế ẩm. Nông nghiệp đã tăng trưởng hết giới hạn tự nhiên; đã kiệt sức khi hàng chục năm nay nặng về phát triển theo chiều rộng. Vì thế, để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, nguồn lực vô tận là việc ứng dụng khoa học công nghệ.

Mỗi năm nước ta xuất khẩu hàng triệu tấn lúa, cà phê, thủy sản… đứng hàng đầu thế giới, thế nhưng phần nhiều vẫn là thành tích về số lượng, sản lượng dựa trên việc khai thác nguồn tài nguyên đất đai sẵn có và lực lượng lao động dồi dào. Năng suất cây trồng, vật nuôi dường như đã đạt ở ngưỡng tối đa; đất đai, lao động cũng đã vắt kiệt sức để làm nên hàng chục triệu tấn lương thực mỗi năm. Tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây đang giảm dần. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm ở mức đáng lo ngại, chỉ khoảng 3%. Vì thế, đã đến lúc không thể dựa vào nguồn lực tự nhiên để tăng trưởng được nữa.

nong-nghiep.jpg
Khoa học công nghệ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản

Ở những nước có khí hậu, thổ nhưỡng không hề thuận lợi cho nông nghiệp, thậm chí khắc nghiệt như Israel, Nhật Bản,… lại có nền nông nghiệp hết sức phát triển. Lực lượng lao động làm nông nghiệp rất ít, chỉ chiếm vài % dân số, diện tích canh tác nhỏ hẹp, đất đai khô cằn, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp ở những nước này lại rất cao. Khoa học công nghệ như có phép  màu biến những vùng khô hạn như Israel, những nơi một năm có đến 2/3 thời gian tuyết phủ như làng Karakumi ở Nhật Bản thành những vùng đất “vàng”, cho thu nhập hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm từ trồng rau. Việc ứng dụng khoa học công nghệ của họ hết sức bài bản: từ khâu chọn giống, quy trình canh tác đến thu hoạch, bảo quản, chế biến…, một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh dựa trên kỹ thuật công nghệ hiện đại.

Câu chuyện về ngôi làng “thần kỳ” bên nước Nhật Bản, hay những mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều nước khác khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm và có những so sánh về sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước mình. Đất đai phì nhiêu, màu mỡ; khí hậu thuận lợi; nông dân Việt Nam chăm chỉ, giỏi giang, thế nhưng giá trị thu được từ sản xuất nông nghiệp lại rất thấp, đời sống người dân đói nghèo, giá cả nông sản bấp bênh.

Chúng ta không thiếu những nhà khoa học giỏi trong nông nghiệp, không thiếu những cán bộ khoa học nông nghiệp tận tình, rồi cả hệ thống khuyến nông từ trung ương đến thôn bản để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến tận người dân. Thế nhưng, nhiều đề tài khoa học nghiên cứu xong lại chỉ để trong ngăn kéo; những mô hình chuyển giao cũng chỉ tồn tại được thời gian ngắn, rồi “tắt ngúm”, không được nhân rộng trên ruộng đồng.

Những ngày này, không khỏi xót xa khi hơn chục triệu nông dân vùng vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long như ngồi trên lửa bởi lúa chín rục ngoài đồng mà không bán được. Những xe tải chở dưa hấu ùn tắc hơn tuần nay kéo dài cả trăm km trên đường đến cửa khẩu Tân Thanh đang hỏng dần… Tình trạng này đã bộc lộ nhiều bất cập của sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay, trong đó cho thấy “lỗ hổng” lớn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch. Thật đáng ngại khi công nghệ bảo quản, phơi sấy, tạm trữ dường như đang là con số không ở một nước sản xuất nông sản dồi dào như nước ta!

Ứng dụng khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa để nâng cao giá trị hạt lúa, củ khoai, con tôm, con cá nước nhà. Khoa học công nghệ giúp giảm sức lao động nặng nhọc cho người nông dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Có kiến thức cao về khoa học công nghệ sẽ giúp nông dân biết ứng dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ, sinh học để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn cho nông sản…

Nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Trụ đỡ ấy sẽ yếu đi và ngày càng đáng lo ngại khi việc sản xuất không theo quy hoạch, kế hoạch, không tính đến thị trường và thiếu ứng dụng khoa học công nghệ kéo dài. Đã đến lúc, ngành nông nghiệp cần đổi mới, tái cơ cấu toàn diện; và ứng dụng khoa học công nghệ chính là phương cách hữu hiệu để “trụ đỡ” nông nghiệp phát triển, vững bền./.