Theo dự báo, năm 2014, thị trường nông sản thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở nước ta, việc huy động nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng là đòi hỏi cấp thiết. |
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), dù Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, điều, hạt tiêu… lớn trên thế giới nhưng thực tế giá trị hàng hóa còn thấp. Phần lớn nông thủy sản xuất khẩu dưới dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Do đó, yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng là đòi hỏi cấp thiết.
Năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 2,67%, tương đương năm 2012; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2012, thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD.
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên cao nhất cho lĩnh vực sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT cho rằng, các địa phương cần nhân rộng các mô hình có hiệu quả, nhất là cánh đồng mẫu lớn.
Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt, thực hiện tái cơ cấu đầu tư, rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)./.