22h đêm qua, những trái dưa hấu được chuyển về một khu chung cư ở Trương Định, Hà Nội. Già trẻ, gái trai ùn ùn kéo xuống chờ mua. Các bạn trẻ tình nguyện xắn tay khuân vác cật lực. Chưa chuẩn bị cân, mấy người dân chạy về nhà lấy cho mượn… Cả xe dưa được bán ào ào, chẳng mấy chốc đã không còn một quả.
Được biết, ngoài việc mọi người thông báo cho nhau trên mạng xã hội, Ban quản trị chung cư này cũng đã có thông báo cho nhân dân về những khó khăn của người trồng dưa do thiên tai gây ra, sự bắt chẹt của thương lái khiến bà con điêu đứng… để kêu gọi mua dưa ủng hộ.
Trên Facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn, khi ông kêu mọi người mua dưa hấu ủng hộ, có nữ ca sĩ đã xin được tham gia bán dưa. Chính ông khi đến mua hôm 8/4 dưa cũng hết rồi, được ưu tiên bán cho… 1 quả. Ông viết: “Mình hình dung trong đầu hình ảnh những ca sỹ trẻ đứng trên hè Hà Nội hăm hở bán từng quả dưa. Nhớ lúc nãy đứng giữa bao bạn trẻ quần áo đẹp, mặt hoa da phấn, xắn tay bê từng sọt dưa, trong cái lạnh Nàng Bân đêm Hà Nội… Và mình cũng.... ngẫm nghĩ. Về cái lý lẽ nào khiến những người Hà Nội trẻ, “chảnh" chẳng kém ai đâu, khao khát muốn làm ấm lòng những người nông dân nơi xa hàng ngàn cây số”.
Những trái dưa được mua hết ngay, trước hết vì sự cảm thông, chia sẻ với bà con nông dân Quảng Nam bị ngập lụt. Thêm nữa, dưa được chuyển ra bán với giá chỉ 5.000 đồng/kg (rẻ hơn nhiều so với giá 15.000-20.000 đ/kg vẫn bán trên thị trường). Giá này gồm giá dưa mà những người tình nguyện đã mua dưa của người trồng dưa 3.000 đ (cao gấp 3 lần so với giá bà con có thể bán cho thương lái), cộng với chi phí vận chuyển.
Vấn đề vẫn là làm sao để tổ chức, quảng bá, kết nối giữa người sản xuất , kênh phân phối và người tiêu dùng. Người sản xuất thì không biết nơi tiêu thụ. Người tiêu dùng thì phải mua qua nhiều “cầu”, chịu giá cao.
Làm thế nào để không còn cảnh nơi thì cho trâu bò ăn dưa, hay ùn tắc cả hàng cây số xe tải chở dưa chờ xuất qua bên kia biên giới, nơi vẫn phải mua với giá 20.000đ/kg. Người Việt dùng hàng Việt, nông sản sạch, bao nhiêu cái lợi cho kinh tế và giống nòi…
Câu chuyện trái dưa hấu mấy ngày qua cũng là minh chứng về hiệu quả của mạng xã hội trong công tác khuyến nông! Nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp gần đây đã nhận ra và sử dụng mạng xã hội một cách tích cực để tương tác với người dân. Một mạng lưới tự phát để giải quyết tình thế còn hiệu quả đến vậy, nếu chúng ta tổ chức được những mạng lưới cung- cầu chuyên nghiệp, không chỉ riêng cho dưa hấu mà còn cho nhiều nông sản khác nữa, thì chắc chắn nông dân sẽ bớt khổ, người tiêu dùng được lợi. Không làm được như thế thì làm sao có thể nói về khái niệm “nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” được?./.