Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, đến nay tình trạng sử dụng đất và tài nguyên rừng của các lâm trường quốc doanh vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân địa phương. Thực tế cho thấy, các lâm trường được giao quản lý nhiều đất rừng nhưng hiệu quả sử dụng thấp, trong khi đó người dân sống gần rừng lại thiếu đất sản xuất.

Sau quá trình đổi mới, sắp xếp, các lâm trường được chuyển tên thành các công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên. Nhưng việc này chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính mà vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết là mâu thuẫn về đất rừng giữa lâm trường và người dân. Theo điều tra, 10 năm qua, diện tích đất tranh chấp giữa lâm trường và người dân có xu hướng tăng cao hơn so với trước, lên tới hơn 30.600 ha diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo nghiên cứu của Viện Tư vấn phát triển, con số trên chỉ là phần nhỏ của “tảng băng chìm” về tình trạng tranh chấp trong thực tế, khi người dân không có đất để đảm bảo sinh kế, mà lâm trường thì thừa đất đem cho thuê.

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, cả nước có 148 công ty lâm nghiệp, trung bình mỗi công ty sử dụng khoảng 14.000 ha đất rừng nhưng sử dụng lại không hiệu quả. Không ít địa phương cắt đất của lâm trường cho các công ty tư nhân thuê để phát triển cây công nghiệp vì mục đích lợi nhuận, thay vì phải chia đất cho người dân để bà con có sinh kế làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Sự bất ổn còn thể hiện trong trường hợp lâm trường giao hợp đồng khoán và bảo vệ rừng cho người ngoài cộng đồng, thường là những người giàu mà không giao cho người dân tại chỗ, từ đó làm mất cơ hội về thu nhập và việc làm của những người dân nghèo sống gần rừng.

Trong khi đó, theo thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2009-2011, có trên 347.000 hộ thiếu đất với chiều hướng ngày càng gia tăng. Thiếu đất cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao tại các địa phương có rừng.

Hiện nay, vẫn còn khoảng 132.000 ha đất rừng thuộc quyền quản lý của các lâm trường quốc doanh nhưng vẫn chưa được sử dụng cho thấy sự lãng phí tài nguyên quý giá này. Tính trung bình một cán bộ của lâm trường quản lý tới 100 ha rừng.

Ngành lâm nghiệp đang quản lý và sử dụng hơn 13 triệu ha rừng, chiếm đa phần diện tích đất tự nhiên của cả nước, nhưng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ khoảng 1,7%. Điều này cho thấy, ngành lâm nghiệp của nước ta còn yếu, chưa mang lại giá trị kinh tế cao, chưa sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên đất rừng.

Những mâu thuẫn giữa lâm trường và người dân nếu kéo dài và phức tạp sẽ có tác động tiêu cực về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, làm căng thẳng mối quan hệ giữa người dân, lâm trường, chính quyền địa phương. Hiện nay, cơ chế giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân ở một số địa phương đang rơi vào tình trạng bế tắc.

Vì thế, để tháo gỡ những mâu thuẫn giữa lâm trường và người dân, Nhà nước cần thực hiện tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách kỹ lưỡng về sử dụng đất của lâm trường, cũng như tình trạng thiếu đất và nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ dân. Trên cơ sở đó, bóc tách phần đất lâm trường hiện sử dụng không hợp lý, kém hiệu quả để giao lại cho người dân dựa trên nhu cầu. Phần đất còn lại (nếu còn), Nhà nước tiến hành cho thuê đất dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các đối tượng tham gia.

Sự công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa các bên sẽ là “chìa khóa” để gỡ bỏ những mâu thuẫn bấy lâu và quan trọng hơn, để phát huy được thế mạnh “rừng vàng”, làm giàu cho dân, cho nước./.