Cùng với cơ chế hợp tác giữa hai bên, nội dung cuộc gặp giữa cựu Thủ tướng Anh và Bộ trưởng Đinh La Thăng tập trung vào dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và cổ phần hóa Vietnam Airlines.

cuu_thu_tuong_anh_tkme.jpg

Tại cuộc gặp, ông Blair nói: "Chúng tôi biết, Việt Nam không những muốn thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, mà còn từ trong nước. Chúng tôi sẵn sàng bàn thảo xem các nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực nào, đường cao tốc hay sân bay... Một khi có cơ chế hợp tác sẽ tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng giao thông. Với những nguồn vốn FDI, cần phải có hướng dẫn về dự án một cách cụ thể để các nhà đầu tư có thể thấy rõ. Bằng kinh nghiệm triển khai các dự án công tư (PPP) khi còn đương chức, trước hết, mọi việc phải cụ thể hóa”.

Đáp từ, Bộ trưởng Thăng nói: “Tôi đồng tình với ông rằng không thể nói chung chung mãi và chúng tôi đã chuẩn bị cụ thể từng dự án. Việt Nam đang được xếp hạng cơ sở hạ tầng giao thông đứng thứ 74 trên thế giới. Đây là một trong những cản trở cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, Chính phủ chúng tôi yêu cầu phải đẩy nhanh sự phát triển của cơ sở hạ tầng làm nền tảng phát triển”.

Người đứng đầu Bộ GTVT lập tức giới thiệu nhóm công tác riêng sẽ làm việc trực tiếp với đại diện Văn phòng Tony Blair.

Tịch thu xe máy – ô tô của người vi phạm: Nói dễ, làm không đơn giản

Kiến nghị tịch thu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy nếu vi phạm nồng độ cồn và điều khiển xe đi vào đường cao tốc của Ủy ban ATGT Quốc gia đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều về tính pháp lý, tính răn đe, hiệu ứng xã hội.

khi trao đổi với VOV.VN, Luật sư  Nguyễn Đăng Quang (Văn phòng Đăng Quang và cộng sự) cho rằng: “Mục đích bảo vệ tính mạng con người, giảm thiểu tai nạn giao thông lá rất đúng nhưng việc áp dụng chế tài tịch thu phương tiện tham gia giao thông là không khả thi”.

Giải thích cho quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn Đăng Quang cho rằng: Thứ nhất: Chế tài tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người tham gia giao thông chưa được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 171/2013/ND-CP về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang có hiệu lực pháp luật mới chỉ quy định mức xử phạt cao nhất đến 15 triệu đồng đối với hành vi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là ô tô xe máy có nồng độ cồn cao trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở (Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP) , chưa quy định chế tài tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người tham gia giao thông đối với các hành vi vi phạm, chưa nói đến phương tiện vi phạm giao thông đó không thuộc sở hữu của người điều khiển phương tiện. Theo đó, có đề xuất thì Nghị định của Chính Phủ không thể quy định những chế tài mà chưa được quy định trong Luật xử phạt hành chính!

Điểm thứ hai được Luật sư Quang đưa ra là: Đề xuất trên không phù hợp với những quy định của Bộ Luật Dân sự quy định về chấm dứt quyền sở hữu tại Điều 254 BLDS tài sản bị tịch thu: Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.

Đối chiếu với điều luật này, theo Luật sư Quang, chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tịch thu bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, chưa có cơ quan nhà  nước có thẩm quyền nào khác được ra quyết định tịch thu bởi chưa được quy định chế tài tịch thu trong Luật xử lý vi phạm hành chính như đã nêu trên.

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia giải thích rằng, hiện nay quy định về quyền sở hữu tài sản Hiến pháp đã quy định rất rõ. Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao. Như vậy đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quy định này. “Trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền, vấn đề là trong thẩm quyền chúng ta triển khai như thế nào”, ông Hùng nói.

Không đồng tình với quan điểm của ông Khuất Việt Hùng, Luật sư Nguyễn Đăng Quang cho rằng: Kể cả không vi hiến, kể cả phương tiện đúng tên người vi phạm đến mức tịch thu phương tiện, thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính ra quyết định tịch thu liệu có sợ rằng: vợ hoặc chồng người vi phạm khiếu nại quyết định hành chính đó. Vì ô tô. xe máy đó là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không thể tịch thu môt nửa của tôi được, chưa nói đến phương tiện đi mượn, đi thuê! Hay lại phải tòa án giải quyết?

Luật sư Quang cho rằng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và ông Khuất Việt Hùng đã tính toán, dự liệu hết các qui định khác nhau về quyền tài sản giữa các bộ luật? Làm thế nào để thống nhất được khi những chế định về tài sản giữa các bộ luật còn đang vênh nhau để giúp chính phủ ra quyết định cho phép thí điểm tịch thu phương tiện là ô tô, xe máy vi phạm giao thông, dù mong muốn giảm thiểu TNGT và bảo vệ tính mạng con người là vô cùng chính đáng và cấp thiết. “Rất mong UBATGTQG có sáng kiến khác đủ mạnh làm giảm thiểu tai nạn giao thông một cách nhanh chóng và hữu hiệụ hơn”.

Để tăng tính răn đe của các qui định về an toàn giao thông, Luật sư Nguyễn Đăng Quang cho rằng: Hiện nay, Quốc hội đang họp có xem xét sủa đổi BLHS. Ban soạn thảo có thể xem xét thêm 1 tội vào CHƯƠNG các tội vi phạm qui định an toàn giao thông đặc biệt cấu thành hình thức rằng: Người nào sử dụng chất có nồng độ cồn quá mức cho phép thì bị phạt tù 12 tháng không được hưởng án treo.

Tăng giá điện từ ngày 16/3

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015.

 Với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN tổ chức tuyên truyền và thông tin sâu rộng về việc điều chỉnh tăng giá điện lần này trong Nhân dân. Cùng với đó, EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, trong đó năm 2015 phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 8% (năm 2014 tỷ lệ này là 8,49%); nâng năng suất lao động toàn Tập đoàn tăng trên 9%.

Tranh cướp ấn vẫn xảy ra ở lễ hội Đền Trần năm 2015

Sau nghi thức khai ấn lúc 23h đêm 4/3 – tức 14 tháng Giêng (âm lịch), hàng chục nghìn khách đầu trần đội mưa xô nhau vào nơi hành lễ. Họ giật hoa trên ban thờ, xoa tiền vào kiếm thần, làm đổ vỡ đồ thờ cúng.

Đứng sau rào chắn sắt với 2 vòng bảo vệ gắt gao, hàng chục nghìn người dân hướng mắt về cánh cửa đền đã đóng kín. Thi thoảng, những tiếng đồng thanh "1, 2, 3" vang lên, dòng người gắng sức xô đổ hàng rào. Phía trong sân đền, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cùng một số lãnh đạo trung ương, địa phương đang tham gia nghi lễ rước kiệu, rước hòm ấn, khai ấn…

Khi các nghi thức khai ấn kết thúc, cửa đền mở ra, hàng nghìn người dân ùa vào. Trong vòng 5 phút, sân Thiên Trường đầy ắp những gương mặt nhăn nhó, đẫm mồ hôi vì chen lấn.

Dù trời mưa phùn dày hạt nhưng nhiều du khách ở xa "đội trời", nghỉ tạm ở đền Trần để kịp xếp hàng xin ấn từ 5h sáng 5/3. 

Trong buổi phát ấn diễn ra sáng hôm sau, an ninh được đảm bảo, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp.

Nhiều địa phương tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ

Tại Hà Nội, trong số thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lần này, 49,6% có trình độ ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp; 762 thanh niên viết đơn tình nguyện; 13 đảng viên; 40 thanh niên thuộc dân tộc ít người; 74 công chức, viên chức…

TP HCM đã tổ chức lễ giao quân đợt 1 vào sáng 6-3. Trong 1.062 thanh niên tình nguyện nhập ngũ có 126 đảng viên, đáng chú ý là có 26 cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong cơ quan nhà nước. Trong đợt 1 năm 2015, TP HCM có 2.000 thanh niên lên đường ngập ngũ; trong đó có 821 thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp. Đa số sức khỏe tốt, phẩm chất đạo đức đạt tiêu chuẩn, trình độ văn hóa cao… 

Qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng mới

Thí sinh muốn tuyển sinh ĐH, CĐ phải tốt nghiệp THPT hoặc trung học

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy.

Theo đó, các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ  thực hiện các nhiệm vụ: Xác định và công bố công khai tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành; Căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng.

Gia đình tướng công an tháo dỡ biệt thự trái phép

Gia đình Thiếu tướng Phan Như Thạch, nguyên Giám đốc công an tỉnh Quảng Nam đã chấp hành tháo dỡ ngôi biệt thự xây trái phép.

Theo người dân địa phương, sau khi có quyết định buộc tháo dỡ của UBND quận Liên Chiểu, gia đình ông Thạch đã nghiêm túc chấp hành và đến nay việc tháo dỡ đã bắt đầu.

Hiện gia đình ông Thạch và ông Ngô Văn Quang đã nộp số tiền phạt vi phạm hành chính về xây dựng nhà trái phép.

Riêng ngôi nhà của ông Quang hiện vẫn chưa có động tĩnh gì, trước đó ông Quang cũng có đơn xin xem xét cho tồn tại một phần nằm trong vùng phù hợp với qui hoạch phát triển du lịch của thành phố.