Tại buổi nói chuyện Hội nghị lần thứ 7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 13/1 về tình hình kinh tế đất nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn đề cập đến nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực đầu tư công. Trong đó, điều tâm đắc nhất có lẽ là ý kiến đề xuất của ông nhằm tạo sự công bằng trong việc tiếp cận tài nguyên để phát huy tiềm năng của các doanh nghiệp, tạo ra nguồn lực phát triển bền vũng cho đất nước.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chọn vấn đề đầu tư công để nói chuyện tại Hội nghị. Người dân bây giờ rất quan tâm đến tình hình quốc gia đại sự. Đất nước phát triển ra sao, nợ xấu ngân hàng thế nào, hôm nay con đường, cây cầu nào được khởi công… dân đều biết. Rồi từ giá cả của mớ rau, con cá hàng ngày đến chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đạt hiệu quả ra sao, người dân đều dõi theo qua báo đài với tinh thần vui cùng vui, lo cùng lo với Chính phủ.  

 nguon-luc-2.jpg
 Đất nước muốn phát triển bền vững, cần phải chú trọng đặc biệt đến nguồn lực con người (Ảnh minh họa)

Là người làm lãnh đạo địa phương, rồi lên cấp Trung ương, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hiểu gốc rễ câu chuyện xin- cho, chạy vốn lòng vòng để làm dự án. Tình trạng mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy xin tồn tại lâu nay dẫn đến đầu tư công quá mức lại vừa không hiệu quả, nhiều dự án thi công dang dở, nợ nần vòng quanh. Nếu cứ mãi xem đây là câu chuyện tế nhị, để rồi không một lần dám nhìn thẳng vào sự thật thì sẽ không bao giờ gỡ được cái nút thắt ấy.

Khi trải lòng cùng những người đại diện cho tiếng nói của các đoàn thể nhân dân, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh muốn chia sẻ những khó khăn của đất nước, đồng thời mong muốn mỗi cán bộ địa phương, mỗi ngành, mỗi người hãy cùng chung tay ủng hộ chủ trương siết chặt đầu tư công, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo nên những công trình phục vụ thiết thực cho yêu cầu phát triển của đất nước.

Đất nước muốn phát triển thì phải tạo được sự công bằng. Công bằng trong nghĩa vụ xây dựng và công bằng trong tiếp cận nguồn lực. Không thể duy trì mãi sự ưu ái cho một bộ phận doanh nghiệp này mà bỏ quên thành phần doanh nghiệp khác. Ai có điều kiện tốt hơn về vốn, nhân lực, công nghệ để khai thác tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất nguồn lực thì phải được làm để mang lại lợi ích cho đất nước.

Vì vậy, để tăng trưởng bền vững, cần phải chú trọng đặc biệt đến nguồn lực con người. Kinh nghiệm phát triển nhờ vào nguồn lực con người của Nhật Bản, Hàn Quốc... thời gian qua là những bài học quý báu mà chúng ta có thể vận dụng để xác định cho mình một hướng đi thích hợp, tạo bước  chuyển vững chắc cho đất nước trong bối cảnh phải quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế./.