Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4) hàng năm là dịp nhắc nhở mọi người về mối hiểm nguy từ bom mìn, một loại vũ khí do con người chế tạo ra, được con người sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Ở nước ta, dù chiến tranh đã qua đi gần 40 năm nhưng đến nay, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh vẫn rất lớn, ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng, tài sản của nhân dân, đến phát triển kinh tế, an toàn xã hội và môi trường ở nhiều địa phương.

Đến nay nước ta vẫn còn khoảng 6 triệu hecta, chiếm 20% diện tích đất đai ô nhiễm bom mìn, với số lượng ước tính khoảng 800.000 tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại. Nhiều người gọi đó là những nơi chiến tranh vẫn còn đang ở lại.

300 năm nữa Việt Nam mới rà phát hết số bom mìn, con số vừa được Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đưa ra khiến nhiều người giật mình. 300 năm - có nghĩa là nỗi đau chiến tranh mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu nặng nề và lâu dài hơn nhiều người tưởng. Điều này cũng có nghĩa là trong hàng trăm năm nữa, số lượng bom mìn, vật nổ khổng lồ đang ẩn sâu dưới lòng đất có thể trở thành nỗi hiểm nguy đối với tính mạng con người bất cứ lúc nào.

bom-min.jpg
Tháo gỡ bom mìn (Ảnh: ANTĐ)

Rải rác trên khắp đất nước, đặc biệt là ở 6 tỉnh miền Trung, cứ vài ngày lại một vụ nổ xảy ra. Có người bị tàn tật, mất chân, mất tay, hỏng mắt, có những người đã mãi mãi ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Hàng năm, Chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc rà phá, cấp cứu hỗ trợ các nạn nhân. Các địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm, rà phá bom mìn, song kết quả vẫn rất hạn chế.

Đau đớn hơn, ở nhiều nơi, có những người vì mưu sinh vẫn phải hàng ngày chấp nhận đối mặt với cái chết để tìm kiếm sắt vụn từ những trái bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Điều đó cho thấy, công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn phải bắt đầu từ việc làm thay đổi nhận thức của người dân.

Làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn, làm sao sau vài chục năm tới cơ bản giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đó là nhiệm vụ của Chính phủ và là mong ước của hàng triệu người dân Việt Nam.

 Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Theo ước tính, để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD, chưa kể hàng tỷ USD khác cho việc tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn.

Giữ trọng trách trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn chính là những người lính công binh. Chiến tranh đã đi qua, nhưng với họ, hòa bình vẫn chưa thực sự đến. Hàng ngày, vẫn có bao người lính công binh tình nguyện xa gia đình, xa vợ con để lên đường, có mặt ở những nơi rừng thiêng, nước độc, nơi sự sống và cái chết mong manh, để những vùng đất họ đi qua trở nên xanh hơn, cuộc sống người dân thanh bình hơn.

Để triển khai Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, nhiều nhiệm vụ mới đang đặt ra đối với những người lính công binh, như xây dựng bản đồ vùng ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc; lập trung tâm dữ liệu về xử lý bom mìn; nâng cao năng lực, trình độ trong công tác rà phá, xử lý bom mìn… Bình quân mỗi năm gần 100.000 hecta đất đai được rà phá, đưa vào canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trong 5 năm tới, việc rà phá, làm sạch, sẽ tập trung ở 6 tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tất cả các công việc này sẽ cần đến một nguồn lực không nhỏ.

Bên cạnh cam kết của Chính phủ sẽ huy động tối đa nguồn lực để khắc phục hậu quả chiến tranh, bên cạnh sự đồng lòng chung sức của người dân, Việt Nam cũng rất cần sự giúp đỡ của các nước, của các tổ chức và bạn bè quốc tế nhằm đẩy nhanh tiến độ rà phá, xử lý bom mìn, để không còn những tiếng nổ đau thương trên mảnh đất đã chịu quá nhiều mất mát trong chiến tranh./.