Trong tuần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã dành 2 ngày để khảo sát những tuyến đê biển tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.  Đây là vùng trọng điểm chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương, các địa phương đã từng bước quy hoạch đầu tư xây mới và nâng cấp hàng nghìn km đê biển, kết hợp trồng rừng ngập mặn tạo thành hệ thống công trình nhằm đối phó với nước biển dâng. Động thái này cho thấy, ứng phó với biến đổi khí hậu đã là câu chuyện cấp bách. 

Biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng đang diễn ra ngày càng rõ rệt và Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thông tin này đã được giới truyền thông đề cập gần 10 năm nay với tần suất đáng kể và kết quả là hầu hết mọi người từ cấp hoạch định chính sách đến người dân, từ cư dân một xã miền núi đến một làng chài ven biển đều nhận thức được nguy cơ ấy.

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động là một quãng đường dài. Bởi lẽ dù biết rất rõ rừng có vai trò rất quan trọng trong việc hấp thụ khí carbon – khí chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, nhưng rừng nguyên sinh vẫn bị xâm hại và các công trình thủy điện sau khi nhấn chìm rừng dưới mặt nước lòng hồ lại không chịu trồng bù diện tích rừng đã mất. 

Dù biết rất rõ để giảm thiểu phát thải khí nhà kính cần hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng vẫn có nhiều dự án nhập về công nghệ cũ lạc hậu. Những việc rất dễ làm, ai cũng có thể làm được là sử dụng tiết kiệm năng lượng bằng cách mùa hè đừng bật máy lạnh đến mức phải mặc áo vét- tông hay tắt bớt đèn chiếu sáng khi không cần thiết, nhưng không phải ai cũng thực hiện.

Ý thức được nguy cơ nhưng không hành động ngay bởi đa số mọi người vẫn nghĩ biến đổi khí hậu là câu chuyện ở tầm vĩ mô, là câu chuyện đường dài. Nhưng thực ra không hẳn vậy. Đúng, đó là câu chuyện vĩ mô giữa các quốc gia, đã được tranh luận mà không thể ngã ngũ trong các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu. Song đây cũng là câu chuyện sống còn của từng cá nhân mà hơn ai hết những cư dân sống ven biển là đối tượng chịu tác động đầu tiên. Và biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện đường dài nữa. 

Trong tuần này, đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã khảo sát các tuyến đê biển  tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.  Chủ tịch nước đã lưu ý lãnh đạo và người dân địa phương về diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của hiện tượng biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng. Thực tế mấy năm qua, tại các địa phương này, nước biển xâm thực vào đất liền với tốc độ khó lường làm xói lở các tuyến đê biển. Nhiều địa phương đang gấp rút triển khai các giải pháp công trình nhằm ứng phó với nước biển dâng. Tuy nhiên, các giải pháp “mềm” lại chưa thực sự được chú ý. 

Các giải pháp “mềm” bao gồm: trồng rừng ngập mặn để chống xói lở bờ biển và bảo vệ các tuyến đê biển; thay đổi sinh kế của người dân phù hợp với xu thế xâm nhập mặn không thể tránh khỏi. Giải pháp đê biển là cần thiết để bảo vệ các công trình trọng yếu cũng như các khu vực xung yếu. Nhưng khó có thể xây dựng cả một tuyến đê biển bằng bê tông kiên cố suốt dải duyên hải hàng nghìn cây số. Trồng rừng ngập mặn được xem là giải pháp hữu hiệu và kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại những vùng bãi bồi, rừng ngập mặn giúp chống sạt lở, giữ phù sa, tôn cao thế đất.  Mặt trước các tuyến đê cũng cần rừng ngập mặn để giảm sức tàn phá của sóng biển. 

Các nhà khoa học đã chứng minh, một dải rừng ngập mặn dầy 100 m giúp hóa giải năng lượng sóng, bảo vệ hữu hiệu khu vực nuôi trồng thủy sản khỏi sức tàn phá của bão cấp 12. Kinh phí trồng rừng ngập mặn rẻ hơn nhiều so với xây dựng đê biển. Rừng ngập mặn còn là hệ sinh thái tuyệt vời giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản.  Các nhà môi trường đã ví giải pháp rừng ngập mặn như giải pháp kép vừa ngăn ngừa sự tàn phá của nước biển dâng vừa hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì thế, ngoài những vị trí xung yếu phải bảo vệ bằng đê biển, đừng xem thường giải pháp rừng ngập mặn.

Ngoài ra, giải pháp “mềm” đó là định hướng phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu như sinh kế thích hợp với vùng sinh thái bị nhiễm mặn, giáo dục kỹ năng sống hòa hợp với thiên nhiên, giúp hình thành thế hệ công dân sống thích ứng với biến đổi khí hậu./.