Một trong 9 giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2015 của Chính phủ là “công khai minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước; đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, người đứng đầu và cán bộ, công chức,viên chức”. Để thực hiện tốt những giải pháp trên, vấn đề đặt ra hàng đầu là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm tình trạng “nhờn luật” đang có chiều hướng gia tăng trong bộ máy công quyền cũng như ngoài xã hội.
Chuyện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formusa phớt lờ ý kiến của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, ngang nhiên xây miếu thờ trái phép; chuyện 3000 người phạm tội bị kết án chưa thi hành trong đó gần nửa bỏ trốn nhiều năm qua; chuyện bổ nhiệm sai quy trình, bổ nhiệm người chưa đủ điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo ở một số cơ quan nhà nước… đang khiến dư luận bất bình và gọi đó là tình trạng “nhờn luật”.
Theo cách gọi dân dã, “nhờn luật” là việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; xử lý nửa vời, thiếu kiên quyết không có tác dụng răn đe phòng ngừa đối với người làm sai; là việc làm của những người biết rõ không đúng mà vẫn cứ làm, rồi nhờ người “chống lưng”, “bật đèn xanh” hòng che chắn trách nhiệm bằng cách này cách khác.
Tưởng rằng những việc đó chỉ xảy ra khi bộ máy Nhà nước còn thiếu cán bộ, các quy định chưa công khai hoặc còn “tù mù” mạnh ai nấy làm. Nhưng đến nay, bộ máy của chúng ta đã đủ đầy, thậm chí dư thừa cán bộ, công chức; các loại thủ tục đã được công khai đến tận thôn xã, bản làng, vậy mà tình trạng “nhờn luật” lại cứ diễn ra một cách ngang nhiên.
Thế nên mới có chuyện cứ mỗi khi vi phạm trật tự an toàn giao thông bị phát hiện, là ngay lập tức … “gọi điện thoại cho người thân” nhờ xin xỏ; Công trình trái phép, sai phép tràn lan, thậm chí có tòa nhà xây tới mấy chục tầng mà cơ quan quản lý vẫn trả lời là không biết, cuối cùng lại áp dụng cơ chế “phạt cho tồn tại”; Rồi mỗi năm có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, chỉ bị phạt một khoản tiền nhỏ, để “đâu lại vào đó” sau một thời gian im ắng.
Chưa hết, bệnh ưa thành tích, bệnh thích hoành tráng và tâm lý nhiệm kỳ cũng do “nhờn luật” mà ra. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều địa phương chỉ cần thông qua chủ trương là có ngay quyết định đầu tư mà không xét đến nguồn vốn, không tiên lượng những tác động nhiều mặt về kinh tế - xã hội, dẫn đến đầu tư tràn lan. Hậu quả là đang có hàng nghìn công trình chậm tiến độ, đội vốn, hàng vạn hecta đất thu hồi, đền bù xong đành bỏ hoang nhiều năm nay. Người dân thì bất bình còn người có trách nhiệm thì cứ bình an vô sự, coi đó như việc đã rồi.
Mặc dù thực trạng vừa nêu không mới, đã được người dân, báo chí và đại biểu dân cử phát hiện, cảnh báo nhiều trường hợp cụ thể, nhưng tình trạng “nhờn luật” không giảm trong hầu hết các lĩnh vực, từ bộ máy công quyền đến đời sống dân sinh. Chính vì thế, Báo cáo của Chính phủ tại nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây không né tránh một thực trạng “Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu quả, hiệu lực chưa cao”; “kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm”.
Có thể nói, bất cứ quốc gia nào cũng có hệ thống pháp luật để điều hành và xử lý vi phạm, nên nói một cách công bằng, ở nơi nào cũng có tổ chức, cá nhân vi phạm với mức độ khác nhau tùy thuộc vào năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước. Ở nước ta, việc xử lý hành vi “nhờn luật” vốn đã khó, nhưng đi tìm căn nguyên và ngăn chặn những việc làm “lách luật”, “nhờn luật”, đến “không sợ luật” còn khó khăn hơn.
Thực tế chỉ ra rằng, chỉ khi nào những người có trách nhiệm bị xử lý do kỷ luật, kỷ cương không nghiêm để xảy ra tham nhũng, lãng phí; chỉ khi nào không còn văn bản luật thiếu khả thi “như ở trên trời” rơi xuống và khi những quyết định bổ nhiệm vội vã, sai quy định bị hủy bỏ… thì tình trạng “nhờn luật” mới có thể được hạn chế. Nếu tình trạng “kỷ luật, kỷ cương không nghiêm” kéo dài sẽ trở thành thói quen khó chữa, lan từ bộ máy công quyền đến cộng đồng xã hội, sẽ là mảnh đất tốt cho tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sinh sôi.
Việc “đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, người đứng đầu và cán bộ, công chức,viên chức” chính là nhằm xử lý nghiêm những người làm sai, không để hành vi “nhờn luật” tồn tại một cách ngang nhiên, đặt cơ quan công quyền và dư luận vào “việc đã rồi”./.