Mới đây, Bộ Nội vụ đã công khai danh sách 9 đơn vị, địa phương có việc tuyển dụng, bổ nhiệm người thân. Trước đó, chuyện bổ nhiệm người nhà không quá xa lạ ở nước mình. Cụ thể, việc ông Vũ Huy Hoàng khi còn là Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bổ nhiệm con trai mình vào vị trí quan trọng ở Sabeco. Hay câu chuyện đang “nóng” là cả gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nắm các vị trí chủ chốt, nắm giữ lượng cổ phiếu lớn tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang…

thu_truong_ho_thi_kim_thoa_bnne.jpg
Việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh cũng từ yếu tố thân quen, người nhà.

Có thể dễ dàng nhận ra, việc bổ nhiệm người nhà thường ở các vị trí quan trọng, có lợi ích lớn chứ không phải để các nhân vật được phát huy sở trường, sở đoản của mình. Họ vào các vị trí đó để vụ lợi, vơ vét cho bản thân, còn phần “cống hiến” chỉ là phụ?!

Không phải tự nhiên mỗi khi có thông tin một người trẻ tuổi thành đạt trong hệ thống các cơ quan Nhà nước thì người ta lật ngay lý lịch xem anh/chị đó con cái nhà ai, bố mẹ làm gì hoặc có quan hệ thân thích với lãnh đạo nào hay không… Người trẻ có tài thực sự được cân nhắc, bổ nhiệm đã có nhưng còn lắm gian truân. Bởi một tâm lý ăn sâu trong công tác quản lý của ta là “phải có thâm niên”. Chuyện một kẻ “vắt mũi chưa sạch” mà đòi lãnh đạo các vị cao niên, đầu bạc trong cơ quan là khó chấp nhận. Thực tế, cũng có những người trẻ được bổ nhiệm ở những vị trí như Trưởng, Phó phòng nhưng lại rất khó làm việc với các vị “bề trên”, vì trong mắt họ, người này chỉ là “trẻ ranh”.

Lâu nay, cách đánh giá, nhìn nhận con người trong công việc ở nhiều cơ quan Nhà nước còn khá phiến diện, chủ yếu căn cứ vào thâm niên công tác, và có không ít sự “ban phát” chức tước cho nhau theo kiểu “già rồi phải có tý chức chứ không thể lông nhông như cánh trẻ được”. Nhiều người tài bị “đánh bật” ra khỏi Nhà nước hoặc có làm trong môi trường Nhà nước thì bất đắc trí vì không phát huy được năng lực bản thân. Nhiều người bỏ ra ngoài làm cho các công ty nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ… rồi sau đó lại trở thành những chuyên gia, tư vấn cho chính các cơ quan Nhà nước đã từng không trọng dụng mình.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo đề án này, ngoài các tiêu chí chung, người được tiến cử phải có thành tích tiêu biểu, uy tín tại nơi công tác. Nếu Đề án này được thực hiện nghiêm túc, chính xác, minh bạch, thì nhiều người tin rằng Đà Nẵng sẽ có đội ngũ lãnh đạo đạt chuẩn trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Bởi các cơ chế Đà Nẵng đưa ra sẽ loại bớt được những người “tham quyền cố vị” nhường chỗ cho những người trẻ có tài, là đội ngũ kế cận xứng đáng của địa phương.

Hà Nội cũng đã “mở màn” cho việc trọng dụng người tài bằng việc đặc cách cho 25 thủ khoa xuất sắc vào thẳng công chức.

Chúng ta có nhiều chính sách để thu hút nhân tài, chọn người tài… nhưng khi vào cuộc sống lại thường bị lợi dụng khiến công tác cán bộ bị lệch hướng, người đáng được chọn thì không chọn mà phần nhiều lại “gài” người nhà, người quen. Nếu vẫn để cách làm này có đất sống thì cơ hội cho những người tài thực sự sẽ rất khan hiếm.

Cơ hội cho người tài không phải đã hết, nhưng người tài thực sự có được hay không tùy thuộc rất lớn vào sự công tâm, sáng suốt của người đứng đầu!/.