Một trong những nội dung được quan tâm tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ diễn ra sáng 17/2, tại Hà Nội đó là vấn đề công tác cán bộ, liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh.

ca_nha_lam_quan_vov_sbtw.jpg
 

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: “Từng cá nhân có liên quan đến vụ việc đã kiểm điểm. Đây cũng là bài học trong việc xây dựng thể chế, văn bản quy định về công tác cán bộ. Trên tinh thần như vậy, qua vụ việc Trịnh Xuân Thanh và một số vụ việc khác báo chí nêu, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng với Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội và Ban Tổ chức Trung ương hoàn thiện thể chế về vấn đề này. Đặc biệt, sắp tới sẽ sửa quy định về công tác cán bộ”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin cả nhà làm quan ở một số địa phương, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Kết quả kiểm tra cho thấy, số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người. 9 địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả nhà làm quan” bao gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái và Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.

Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cũng cho biết, Bộ Nội vụ đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng và tổ chức kiểm kiểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

“Cụ thể, đó là tiến hành tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời đề nghị thu hồi Quyết định tiếp nhận công tác tại UBND huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế đối với ông Hồ Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện A Lưới, do không thực hiện trình tự thủ tục xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển. Đồng thời xem xét việc miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo đối với ông Hà”, ông Thành cho biết thêm.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho biết, thời gian tới sẽ tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Thi đua khen thưởng; đồng thời khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, về thông tin liên quan đến việc sáp nhập quận tại thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này Bộ chưa nhận được văn bản chính thức của thành phố Hồ Chí Minh.

Về thông tin liên quan đến 55 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Nội vụ cho biết đã trao đổi với Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên. Thời điểm hiện tại, Ủy ban nhân dân huyện Đông Hòa đã bố trí lại công việc giảng dạy cho 53 giáo viên, chỉ chấm dứt hợp đồng lao động đối với 2 giáo viên.

Cũng theo Bộ Nội vụ, quy định của pháp luật về viên chức thì việc liên quan đến 55 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên thuộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên theo thẩm quyền phân cấp quy định. Do vậy, để thực hiện đúng quy định của pháp luật, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên phải tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với đội ngũ viên chức giáo viên tại tỉnh để có biện pháp chấn chỉnh nếu có sai phạm./.