Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ Nội vụ đã công khai danh sách 9 đơn vị, địa phương có việc tuyển dụng, bổ nhiệm người thân gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế; huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tỉnh Yên Bái và Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.
Dư luận cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình với việc công khai sai phạm liên quan đến công tác cán bộ. Dư luận cũng mong muốn sau khi công bố tình trạng này, các cơ quan chức năng cần xử lý đến nơi đến chốn để trả lại sự công bằng.
Dư luận mong muốn sau khi công bố tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm người thân, các cơ quan chức năng cần xử lý đến nơi đến chốn để trả lại sự công bằng. Ảnh minh họa |
Bổ nhiệm cán bộ cùng gia đình do sự nể nang
Từ năm 2016, dư luận tỉnh Thừa Thiên - Huế "nóng" lên khi nhiều anh em trong gia đình Bí thư Huyện ủy A Lưới nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại địa phương này. Cụ thể, ông Hồ Xuân Trăng (46 tuổi), Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện A Lưới là anh em “cột chèo” với ông Nguyễn Mạnh Hùng (37 tuổi), Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Bà Lê Thị Thêm, vợ ông Trăng giữ chức vụ Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới.
Ngoài ra, ông Trăng còn có 2 người em “cột chèo” khác là ông Nguyễn Nam Sinh, đang giữ chức Phó trưởng Công an huyện và ông Hồ Thanh Hà, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện A Lưới.
Ông Trần Hữu, cán bộ hưu trí phường Thuận Hòa, thành phố Huế cho rằng: “Huyện A Lưới bổ nhiệm cán bộ trong cùng gia đình như vậy tạo dư luận không tốt. Thứ nhất, khi họp hành không có tính phê và tự phê, không có tính đấu tranh, giải quyết những công việc mang tính chất gia đình. Vấn đề này, Bộ Nội vụ phải kiểm tra kỹ và phải có định hướng, luân chuyển cán bộ nếu có năng lực. Tường hợp nào không đúng quy trình, thiếu bằng cấp trong bổ nhiệm cán bộ thì dứt khoát phải loại bỏ và kiểm điểm một cách nghiêm túc, chỗ nào sai phạm thì phải xử lý ngay”.
Theo ông Nguyễn Đình Lỡn, cán bộ hưu trí ở thành phố Huế, việc nhiều anh em cùng gia đình làm lãnh đạo tại một địa phương là điều "không hay". Nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế kết luận việc bổ nhiệm là đúng quy trình thì phải kiểm tra quy trình đó, đặc biệt là về năng lực, bằng cấp khi bổ nhiệm.
“Để xảy ra chuyện lãnh đạo huyện A Lưới có quan hệ bà con với nhau là do sự nể nang, không nói thẳng, nói thật. Trước đây, chọn người vào ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của huyện A Lưới có thực sự công bằng, có dân chủ hay không? Ban Tổ chức Huyện ủy, cấp trên duyệt có đảm đúng hay không? Những nhân sự đó, nếu cấp trên tin tưởng có năng lực thì nên thuyên chuyển một vị trí nào thích hợp. Bếu có năng lực thì thuyên chuyển cán bộ đó lên tỉnh, còn nếu thiếu năng lực thì bố trí một vị trí nào đó cho thích hợp”, ông Nguyễn Đình Lỡn đặt vấn đề.
Xử lý tận cùng vấn đề bổ nhiệm người thân
Trong số 9 địa phương, đơn vị "cả họ làm quan" vừa được Bộ Nội vụ công bố có Trung tâm Pháp y, thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng. Trước khi Bộ Nội vụ đưa ra thông tin này, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo kiểm tra xử lý, công khai trước dư luận từ cuối năm 2016.
Theo đó, việc hợp đồng, tuyển dụng, bổ nhiệm trong giai đoạn ông Võ Đình Thạnh còn làm Giám đốc trung tâm đều đúng quy trình, quy định. Với cấp Phó phòng thì đã lấy phiếu tín nhiệm tập thể.
Công bố 9 địa phương có hiện tượng “cả nhà làm quan“
Người thân của ông Thạnh làm việc tại Trung tâm Pháp y Đà Nẵng có ông Võ Văn Bảy là em ruột, làm lái xe kiêm quản lý vật tư thiết bị. Vợ ông Bảy, tức em dâu ông Thạnh là bà Trần Thị Thu Vân được bổ nhiệm làm Phó Phòng Tổ chức - Hành chính - Tài vụ; Trần Thị Ngọc Linh, cháu ông Thạnh, làm nhân viên Văn thư lưu trữ.
Trước khi bổ nhiệm bà Vân, đơn vị đã lấy phiếu tín nhiệm, các quy trình đều đảm bảo. Việc tuyển dụng ông Võ Văn Bảy vào làm việc cũng đảm bảo tiêu chuẩn.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thì Trung tâm Pháp y là đơn vị rất đặc thù, thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn, không ai muốn về làm việc và rất khó tuyển dụng cán bộ.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, ông Võ Đình Thạnh đã nghỉ hưu hơn 1,5 năm nay. Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về việc này, đồng thời UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo xử lý.
“Sau khi có kết luận, UBND thành phố đã chỉ đạo cho Sở Y tế xử lý việc đó. Có những sai phạm nhưng cũng có những cái không phải sai phạm. Vừa rồi chúng tôi đã có báo cáo Bộ Nội vụ, Thanh tra Bộ Nội vụ đã có kết luận; đồng thời rà soát lại những việc mà Trung tâm Pháp y làm, cái gì sai sẽ đề nghị sửa”, ông Võ Ngọc Đồng nói.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng (Ảnh: Báo Đà Nẵng) |
Theo ông Hồ Tấn Sáng, các cơ quan chức năng phải xử lý đến tận cùng, làm rõ đúng, sai ở đâu: “Việc công bố như vậy đã tạo ra hiệu ứng là Đảng đang dũng cảm nói lên tất cả. Đảng nói riêng và hệ thống chính trị nói chung đang thực hiện được điều là nói thẳng và nói để làm. Quan trọng là xử lý những vấn đề đó như thế nào mới là quyết định và những người có thẩm quyền vào cuộc để xử lý vấn đề đó như thế nào để thông tin lại với dư luận xã hội”.
Dư luận hoan nghênh Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra, kết luận cụ thể và công khai danh sách các địa phương, đơn vị có sai phạm trong công tác cán bộ. Người dân cũng mong rằng, các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở tất cả các cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh hiện tượng "cả nhà làm quan"./.
Bổ nhiệm người thân không đủ “đức, tài” là biểu hiện của sự lạm quyền