Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, rèn luyện. Trong quá trình cách mạng lâu dài với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đến báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều lãnh tụ của Đảng vừa là người viết báo, vừa là người lãnh đạo báo chí. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, trong gần 90 năm qua, báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển, nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là vào thời kỳ đổi mới.
Cho tới hiện nay, Việt Nam có 812 cơ quan báo in với 1.084 ấn phẩm; trong đó có 615 cơ quan tạp chí, 197 cơ quan báo; 74 báo tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp, 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương với 17.000 nhà báo chuyên nghiệp.
Đảng Cộng sản Việt Nam coi nhà báo là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa; báo chí là công cụ đắc lực của Đảng, với thông tin nhanh chóng nhất, phổ cập nhất, là phương tiện thường xuyên tiếp xúc với nhân dân và giải đáp những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra; đấu tranh hàng ngày, hàng giờ chống những âm mưu, thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, chống các khuynh hướng sai lầm trên mặt trận tư tưởng, góp phần quan trong trong việc tổ chức, tuyên truyền, phát động phong trào cách mạng của nhân dân.
Gắn bó máu thịt với Đảng, báo chí Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh của mình, thực hành chức năng xã hội, hướng dẫn tư tưởng và hoạt động cho người đọc, người xem, người nghe. Những công cụ tác nghiệp là vũ khí sắc bén của nhà báo trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Báo chí Cách mạng Việt Nam là công cụ phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động báo chí ở Việt Nam. Chính trong điều kiện mới của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập, mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí càng cần thiết. Xã hội càng phát triển, thông tin báo chí càng có vai trò to lớn. Với nội dung thông tin có định hướng đúng đắn, chân thật, có sức thuyết phục, báo chí có khả năng hình thành dư luận xã hội dẫn đến hành động xã hội phù hợp với vận động của hiện thực theo chiều hướng có chủ định.
Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo báo chí không những bằng đường lối mang tính định hướng, mà còn thường xuyên chỉ ra cho báo chí những phương hướng cụ thể trong từng thời kỳ. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo báo chí thông qua việc bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, trước hết là tổng biên tập, cấp ủy thực hiện tốt sự lãnh đạo của mình mà không sa vào những vụ việc cụ thể, hoặc đi quá sâu vào nghiệp vụ, chuyên môn.
Khi tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến quan trọng, khi Đảng và Nhà nước chuẩn bị ban hành những chủ trương mới, báo chí đều được thông tin và hướng dẫn. Sự quan tâm của Đảng đối với báo chí còn thể hiện trong việc tạo điều kiện cho các báo chí đi sát cuộc sống, cấp ủy Đảng dành thời gian định kỳ làm việc với những người phụ trách cơ quan báo chí, biểu dương mặt tốt, dân chủ thảo luận để rút kinh nghiệm những mặt chưa làm được.
Đến lượt mình, những người làm báo Việt Nam xác định: Báo chí cách mạng nếu tách rời sự lãnh đạo của Đảng sẽ không còn sự sáng tạo, ngòi bút sẽ cằn cỗi, lạc lõng, mất phương hướng. Mọi hoạt động của báo chí luôn tuân theo chỉ đạo của Đảng, không chạy theo khuynh hướng thương mại. Với chức năng phản ánh và phản biện xã hội, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ biểu dương, tuyên truyền những người tốt việc tốt; phê phán không khoan nhượng những tiêu cực cùng những thói hư tật xấu trong xã hội; kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch.
Thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, giữ vai trò phản ánh và hướng dẫn dư luận, hình thành dư luận xã hội lành mạnh, ủng hộ và thúc đẩy công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhân dân đùm bọc và tin tưởng, báo chí cách mạng Việt Nam nhất định làm tròn sứ mệnh động viên toàn xã hội phấn đấu thực hiện các Nghị quyết của Đảng, thực hiện nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.